• Tiếng khèn Mông - Giai điệu hẹn hò
  • Thời gian đăng: 25/05/2020 05:11:43 PM
  • Cây Khèn là nhạc cụ có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông, góp phần làm nên bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo. Cho dù cuộc sống có nhiều thay đổi, thì cây Khèn vẫn được người Mông nâng niu, trân trọng và gìn giữ.
  • 7-Ch-phi-n-n-kh-ch-t-i-l-h-i-hoa-ban-n-m-2019-.jpg

    Hình ảnh khèn Mông được sử dụng trong phiên chợ vùng cao tại Lễ hội Hoa Ban 2019

    Theo Nghệ nhân Lý A Lệnh (xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng), người chế tác và trình diễn khèn nổi tiếng, với người Mông cây Khèn là một vật thiêng, nó như là một phần máu thịt, một vật mang giá trị tâm linh. Khèn được dùng nhiều trong các dịp lễ hội, đón xuân, chợ tình, kết duyên nam nữ, khi đi lao động sản xuất, cả trong đám tang, nghi lễ. Lúc nghỉ ngơi khi đi làm nương, tiếng Khèn cất lên sẽ làm cho người ta có thêm động lực, tạo niềm lạc quan tin tưởng, thay cho những lời muốn nói về khát vọng tình yêu cuộc sống. Người Mông thổi khèn còn để biểu lộ tâm tư, tình cảm, tiếng Khèn như thay lời cho những điều không thể diễn tả bằng lời. Và cũng chính tiếng Khèn đã se duyên cho biết bao đôi trai gái đến với nhau. Với những đóng góp xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, tháng 3/2019, ông Lý A Lệnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Ông là một trong số ít những người có khả năng chế tác, sử dụng Khèn Mông và đang lưu giữ nhiều những điệu múa Khèn cổ của dân tộc Mông.

    -ng-L-A-L-nh.jpg

    Ông Lý A Lệnh trình diễn các kỹ năng múa khèn

    Có dịp thưởng thức các giai điệu âm thanh của tiếng khèn Mông da diết, trầm bổng mà vang vọng, cùng với những vũ điệu tổng hòa của bước chân, trên những ngón tay điêu luyện, cộng với sự uyển chuyển của cơ thể hòa quyện với nhau giúp cho người thưởng thức có những rung cảm và tình yêu đối với cây Khèn thật sự. Thổi được Khèn đã khó nhưng biết múa Khèn lại càng khó hơn, đòi hỏi người chơi Khèn phải thật sự yêu và hiểu về Khèn. Tùy vào môi trường, không gian biểu diễn, diễn xướng, người múa Khèn sẽ vận dụng các động tác như “múa nhảy đưa chân”, “quay đổi chỗ”, “quay tại chỗ”, “vờn Khèn”, “lăn nghiêng”, “lăn ngửa”, “múa ngồi xổm”... khi biểu diễn. Động tác cơ bản trong múa Khèn là “đi tiến, đi lùi” theo bốn hướng, mỗi bước di chuyển, chân này chạm gót chân kia; hoặc khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo những đường tròn đồng tâm, hình xoắn ốc...

    Lên Điện Biên, đặc biệt là vào các ngày hội tại thành phố hay các xã vùng cao, đâu đâu cũng nghe thấy giai điệu Khèn hòa cùng tiếng đàn môi, tiếng leng keng vòng bạc xúng xính trên váy áo của các cô gái Mông. Lắng nghe những âm thanh của Khèn Mông luôn đủ sức mạnh để vẫy gọi nỗi nhớ thành những chuyến đi. Chính giai điệu Khèn đã góp phần làm nên bản sắc riêng trong các ngày hội, khi tết đến xuân về, mùa hoa cải, hoa mận, hoa đào, hoa ban bung sắc ngút ngàn rộn ràng đón hàng ngàn lượt du khách về thăm, trong sự sôi động vẫn nghe văng vẳng tiếng Khèn dập dìu níu chân du khách.

    01170023.jpg

    Khèn Mông được sử dụng trong các hoạt động văn hóa, đời sống của nhân dân

  • Tác giả: Lưu Học, ảnh Anh Tuấn