• Những ngôi nhà sàn lợp đá đá đen tại thị xã Mường Lay
  • Thời gian đăng: 28/10/2020 07:36:46 AM
  • Nhà sàn là kiến trúc độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Tuy nhiên, trên những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái trắng ở thị xã Mường Lay còn có thêm nét đặc trưng là nhà được lợp bằng đá đen. Những dãy “phố nhà sàn” với kiểu kiến trúc truyền thống, tựa lưng vào núi, in bóng xuống lòng hồ. Khi bình minh lên, những ngôi nhà sàn lợp đá đen ẩn hiện trong làn sương sớm, khiến “thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi” hiện lên như bức tranh thủy mặc.
  • 1.jpg

    Những mái nhà đá đen san sát của đồng bào Thái trắng thị xã Mường Lay

    Thị xã Mường Lay là trung tâm văn hóa của đồng bào Thái trắng. Người Thái trắng đã định cư tại đây từ rất lâu đời, kiến trúc nhà sàn của người Thái trắng có đôi nét khác với kiến trúc nhà sàn của người Thái đen với phần ban công và mái nhà đua ra rộng rãi khoáng đạt. Điều khác biệt nữa là những ngôi nhà sàn này có mái nhà được lợp bằng đá có màu đen cổ kính. Màu ngói đen là màu đen bóng của đá phiến - loại đá đặc trưng tại các khu vực ven sông Đà. Đá có nhiều màu như đen, vàng, nâu, ngũ sắc,.. nhưng loại đá màu đen có độ cứng hơn cả. Loại đá này có cấu tạo xếp chồng theo thớ, theo lớp như những trang sách nên còn có tên gọi khác là “đá giấy.” Đá có đặc tính rất lạ là lúc mới đào ở vỉa ra, đá có độ ẩm cao nên mềm, dễ chẻ ra thành mảnh mỏng, cắt thành những khuôn miếng theo hình dạng khác nhau như ý muốn, sau một thời gian ở môi trường không khí, đá trở nên cứng như đất nung qua lửa. Sau hàng chục năm sử dụng, màu sắc đá không bị phai, đá không thấm nước, có khả năng chịu lạnh, chịu nhiệt tốt và không bị ăn mòn bởi tác động của yếu tố môi trường.

    4.jpg

    Sau hàng chục năm sử dụng, màu sắc đá không bị phai, đá không thấm nước, có khả năng chịu lạnh, chịu nhiệt tốt và không bị ăn mòn bởi tác động của yếu tố môi trường

    Nhà sàn lợp đá đen được xem là một trong những công trình kiến trúc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Thái Trắng. Những phiến đá trước khi sử dụng lợp mái sẽ được cắt thành hình vuông, theo một kích thước nhất định, thường là 20x20cm, hoặc 30x30cm. Hai đỉnh hình vuông chéo nhau được cắt đi để có thể ghép mí lên nhau, một đỉnh được đục lỗ nhỏ. Khi lợp, người ta sẽ xuyên thép qua lỗ rồi buộc vào xà. Để lợp đủ mái cho một ngôi nhà sàn gỗ 5 gian như vậy, sẽ phải cần đến ít nhất 4.000 viên đá xếp chéo, so le nhau như hình vảy cá.

    Bên cạnh việc tính toán kỹ lưỡng để tránh các yếu tố về thời tiết và tạo tính thẩm mỹ, thì xếp đá như vậy cũng bắt nguồn từ cuộc sống gắn liền với sông nước của người dân nơi đây. Theo ý nghĩa tâm linh, nó còn tượng trưng cho vị thần cá, che chở và mang lại sự no ấm. Qua nhiều đời, cách lợp mái này được người Thái Trắng nơi đây gìn giữ và trở thành nét văn hóa đặc trưng khác biệt với văn hóa Thái ở các vùng miền khác.

    2.jpg

    Qua nhiều đời, cách lợp mái này được người Thái Trắng nơi đây gìn giữ và trở thành nét văn hóa đặc trưng khác biệt với văn hóa Thái ở các vùng miền khác

  • Tác giả: Lưu Học