• Di tích Mường Pồn
  • Thời gian đăng: 26/10/2020 10:54:18 AM
  • Di tích Mường Pồn nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ, thuộc địa phận xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 18km theo quốc lộ 12. Nơi đây vào ngày 6/12/1953, xuất hiện tấm gương chiến đấu anh dũng lấy thân mình làm giá súng của anh Bế Văn Đàn, tạo điều kiện cho đồng đội tấn công tiêu diệt kẻ thù.
  • MP.jpg

    Bia di tích Mường Pồn

    Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954, đây sẽ là trận công kiên lớn nhất của quân đội ta có sự phối hợp của pháo binh và bộ binh, sau khi chuẩn bị kỹ càng có thể tiến hành theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”.

    Cùng ngày 06/12/1953, nhận thấy Lai Châu bị uy hiếp mạnh, Cogny đã ra lệnh cho các đơn vị gồm 3 tiểu đoàn rút khỏi Lai Châu. Theo tài liệu ta thu được, kế hoạch sẽ được bắt đầu vào ngày 07/12, chỉ huy cấp cao và Âu - Phi rút bằng máy bay về Hà Nội và Điện Biên Phủ; đến ngày 12/12 số còn lại gồm 1 tiểu đoàn ngụy binh, 1 tiểu đoàn Thái và 23 đại đội sẽ theo đường núi phía Tây từ Lai Châu về Điện Biên Phủ, ngày 18/12 sẽ hoàn tất việc di chuyển. Để yểm hộ cho cuộc rút lui này, quân Pháp dùng một lực lượng gồm 6 tiểu đoàn do Guil-lemit chỉ huy đóng dọc đường 41 để ngăn cản cuộc tiến công của ta vào thị xã Lai Châu. Khi làm xong nhiệm vụ, lực lượng này cũng rút về Điện Biên Phủ.

    Được tin địch rút Lai Châu, ngày 08/12, Đại đoàn 316 chia làm hai cánh quân cấp tốc hành quân truy kích địch. Cánh thứ nhất Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba và Chính ủy Chu Huy Mân đưa Tiểu đoàn 439 của Trung đoàn 98, do Phó Chính ủy Trung đoàn Phạm Quang Vinh trực tiếp phụ trách, tiến gấp lên phía Bắc theo đường 41 tiến thẳng về thị xã Lai Châu; cánh thứ hai tiểu đoàn khác của 98 tạm dừng lại Tuần Giáo đề phòng địch nhảy dù tập kích phía sau vào hậu phương trực tiếp của chiến dịch. Rạng sáng ngày 11/12, quân ta đến Pa Ham, chạm lực lượng địch và nổ súng đánh tan 3 đại đội của chúng, tiếp tục tiến về thị xã. Rạng sáng ngày 12/12, ta tiến vào giải phóng thị xã Lai Châu, đánh tan 1 đại đội địch, bức hàng 1 đại đội khác. Chiếm được Lai Châu, ta tiếp tục truy kích địch, đánh tan 1 đại đội của chúng ở vùng Nậm Cáy (cách Lai Châu 30km). Cánh quân thứ hai của ta ở Tuần Giáo cũng tiến lên phía Bắc Điện Biên Phủ, ngày 11/12 gặp lực lượng địch ở Điện Biên lên đón ở Lai Châu về đã chặn đánh chúng ở Bản Tâu (cách Điện Biên 10km), tiêu diệt 2 đại đội quân nhảy dù. Tiếp đó, trong hai ngày 12, 13/12 ta tiêu diệt 5 đại đội địch ở  Mường Pồn. Tại Mường Pồn, sáng ngày 12/12, Đại đội 674 của Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 tiến xuống Mường Pồn thì phát hiện trong bản có nhiều quân địch từ Lai Châu, rút về đang tập trung tại đây, Đại đội lập tức tiến hành bao vây và nổ súng đánh địch. Quân địch có máy bay yểm trợ, thấy lực lượng ta ít, kiên quyết đánh bật ta để mở đường đi về Điện Biên Phủ. Chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn mang lệnh đến cho tiểu đội Chu Văn Pù giữa lúc cả tiểu đội chỉ còn bốn người đang phải chặn đánh một cánh quân từ trên cao tràn xuống. Chu Văn Pù có khẩu trung liên trong tay nhưng không biết đặt vào đâu. Bế Văn Đàn lao tới nhấc hai chân súng đặt lên vai mình và giục đồng đội siết cò trút đạn về phía quân địch.Trong lúc đồng chí Chu Văn Pù còn đang do dự, đồng chí Bế Văn Đàn đã liền nói rằng "Kẻ thù ở trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chúng nó đi”. Đồng chí Pù nghiến răng bóp cò nhả đạn về phía quân thù, trong khi lấy thân mình làm giá súng đồng chí Bế Văn Đàn đã trúng nhiều viên đạn, hy sinh trong tư thế hai tay còn ghì chặt hai càng súng ở trên vai. Kết quả đợt tiến công của địch đã bị chặn đứng.

    "Anh ngã xuống Mường Pồn

    Đâu biết có mùa cam

    Anh chỉ biết dây thép gai đồn giặc

    Tôi yêu những con người chưa hình dung ra hạnh phúc

    Khi tổ quốc cần dẫu chết chẳng từ nan"

    Thắng lợi này cùng với những thắng lợi khác trên các mặt trận phối hợp trong Đông Xuân 1953-1954, quân Pháp ngày càng lúng túng, bị động đối phó với các cuộc tấn công của ta. Ta giành được thế chủ động và có nhiều lợi thế bước vào cuộc chiến gay go, ác liệt hơn trước khi kết thúc cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược.

  • Tác giả: Ngọc Linh, ảnh sưu tầm