• Di tích Đồi C2
  • Thời gian đăng: 16/09/2020 03:06:49 PM
  • Di tích đồi C2 nằm trong dãy đồi phía Đông của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, có tác dụng như bức bình phong che chắn hữu hiệu cho phân khu trung tâm lòng chảo Mường Thanh. Người Pháp đặt tên ngọn đồi này là Elian 4 mang tên một người đẹp của nước Pháp để nhắn nhủ binh lính của họ hãy bảo vệ cứ điểm như bảo vệ chính những người đẹp của mình. Cũng giống phần lớn những cao điểm còn lại, tại đây, thực dân Pháp bố trí hệ thống binh lực, hỏa lực vô cùng lợi hại và trở thành vị trí "nhức nhối" hàng đầu đối với Quân đội ta.
  • bia-gi-i-thi-u-di-t-ch.jpg

    Bia giới thiệu di tích đồi C2

    Khi nằm dưới quyền cai trị Điện Biên, quân Pháp dựng lên những tên cai quản từng vùng. Đồi C1 là chốn ăn chơi, hưởng lạc của tên tri châu Đèo Văn Ún. Cũng tại nơi này, một nhà tù đã được xây dựng để giam giữ những người hoạt động cách mạng bị bắt, trong đó có vợ con đồng chí Lò Văn Hặc - một cán bộ tiêu biểu của cách mạng trên vùng đất Điện Biên - Lai Châu (trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Lò Văn Hặc giữ chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, sau này là Phó Chủ tịch Khu Tự trị Thái Mèo, đến năm 1978 giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội).

     Đồi C2 khá rộng, nối với C1 bằng một dải yên ngựa, sườn đồi phía trong thoai thoải, rất tiện cho quân Pháp cơ động lên phản kích. Bố phòng của quân Pháp trên đồi là hệ thống chiến hào liên hoàn với nhiều lô cốt, ụ súng khá kiên cố; phía ngoài là nhiều lớp rào dây thép gai và bãi mìn dày đặc. Lực lượng trấn giữ Elian 4 là Tiểu đoàn dù thuộc địa số 5 và Trung đoàn Ma Rốc số 4. 

    Về phía ta, chịu trách nhiệm đánh cứ điểm này là Trung đoàn 98, Đại đoàn 316, với sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vũ Lăng. 17 giờ  ngày 30/3/1954, đợt tấn công thứ 2 vào khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Lần lượt các cao điểm quan trọng phía Đông nằm dưới tầm hỏa lực của ta. Trong vòng 45 phút, Trung đoàn 98 đã chiếm được C1. Thất thủ ở C1, quân Pháp rút sang C2 sử dụng hỏa lực ở đây bắn lên C1 để chiếm lại, gây nhiều thương vong cho bộ đội ta.

    Một đại đội của ta vượt qua mỏm yên ngựa đột nhập và nhanh chóng phát triển tiêu diệt liên tiếp 11 lô cốt và ụ súng. Sau đó lực lượng phía sau của quân Pháp đã kịp thời chặn lại. Ta quyết định lui về phòng ngự C1, chờ thời cơ tiến đánh C2.

    Tại cứ điểm C2, chỉ huy Bigead đã cho lính đào một đường hào từ C2 sang C1, chuẩn bị mở đợt tiến công bất ngờ, có tính quyết định của trận đánh. 5 giờ 50 phút ngày 10/4, Bigead đã ra lệnh tấn công trận địa phòng ngự của ta trên C1. Địch sử dụng 20 khẩu pháo 105mm ở Mường Thanh và Hồng Cúm đồng loạt bắn lên C1; 4 xe tăng từ C2 tiến lên trút loạt đạn về phía trận địa phòng ngự của Trung đoàn 98 ở mỏm Cột cờ. Phía bên trên, máy bay quân Pháp liên tiếp bắn phá những con đường tiếp viện của ta. Dưới đất, hai tiểu đoàn dù số 5 và số 6 tiến quân lên C1 hòng chiếm lại cứ điểm. Các chiến sĩ Trung đoàn 98 đã bình tĩnh và anh dũng chiến đấu đẩy lui nhiều đợt phản kích của quân Pháp, giữ vững trận địa. Cuộc chiến đấu diễn ra ở đây trong tình thế giằng co quyết liệt. Quân Pháp liên tục chi viện, mở nhiều đợt xung phong, phản kích. 2 giờ sáng ngày 14/4, mỗi bên chiếm giữ nữa quả đồi.

    20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954 đồng thời với trận chiến đấu tại A1, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tấn công cứ điểm C2. Ngay từ đầu lực lượng thọc sâu của đơn vị đã tiêu diệt trận địa pháo, tiến vào trong trận địa phòng ngự của quân Pháp. Dựa vào công sự mạnh, quân Pháp ngoan cố chống cự và liên tục phản kích. Cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và quân Pháp kéo dài suốt đêm. Đến rạng sáng ngày 7/5, chỉ huy cứ điểm tung lực lượng cơ động ra phản kích nhằm tạo ngón đòn bất ngờ đánh bật Trung đoàn 98 ra khỏi cứ điểm. Được sự hỗ trợ của Trung đoàn 174 bên phía A1, Trung đoàn 98 đã đập tan cuộc phản kích của quân Pháp. Lựu pháo của ta cũng dồn dập bắn chi viện hơn 200 quả. Trung đoàn 98 đã chia làm 3 mũi tấn công ào ạt xung phong lên C2. Trước sức mạnh tấn công như vũ bão của ta, cứ điểm C2 đã bị thất thủ, hơn 600 binh lính Pháp kéo nhau ra hàng. Chiếm được C2, toàn bộ dãy cao điểm phía Đông đã nằm dưới sự khống chế của Quân đội ta.

    Trận chiến tại cứ điểm C2 diễn ra ác liệt và kéo dài ngày nhất so với việc chiến đấu và tiêu diệt các cứ điểm khác. Chiếm được cứ điểm này đã tạo thuận lợi cho các mũi tấn công của quân ta vượt cầu Mường Thanh, tiến thẳng vào Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

  • Tác giả: Ngọc Linh