Dân tộc Hà Nhì là một trong số 54 dân tộc anh em, sống trên đất nước Việt Nam. Hà Nhì là tên tự gọi, ngoài ra còn các tên gọi khác để gọi người Hà Nhì như: U Ní, Zá U Ní, Hà Nhì Già. Ngoài nhóm người Hà Nhì Đen sinh sống chủ yếu tại Lào Cai, người Hà Nhì còn 2 nhánh khác là: Hà Nhì Cồ Chồ và Hà Nhì Lạ Mí (gọi chung là người Hà Nhì Hoa) sinh sống tại các tỉnh phía tây, chủ yếu là Điện Biên.
Tại đây, người Hà Nhì còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như: Tập quán xã hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống..., đặc biệt hơn cả là trang phục truyền thống của người Hà Nhì được làm ra từ bàn tay chăm chỉ, khéo léo của người phụ nữ mang đậm bản sắc văn hóa, những nét đẹp, ý nghĩa khác nhau.
Nguyễn Thị Phương Uyên – Người đẹp Hoa Ban 2023 trong trang phục truyền thống của phụ nữ Hà Nhì Hoa.
Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Hà Nhì bao gồm: Bộ đội đầu, áo dài (mặc bên trong), áo ngắn (mặc bên ngoài) và quần. Trang phục của phụ nữ dân Hà Nhì được phân biệt theo lứa tuổi và tính năng sử dụng. Nhiều người phụ nữ lớn tuổi người Hà Nhì kể lại, trang phục của họ sở dĩ có màu sắc sặc sỡ vì trước đây, khu vực người Hà Nhì sinh sống có mùa đông rất lạnh. Chọn những màu sặc sỡ, gam màu nóng phần nào giúp thị giác của họ xua bớt cái lạnh của miền biên viễn.
rang phục truyền thống của phụ nữ Hà Nhì Hoa có màu sắc rất sặc sỡ, chủ yếu là các gam màu nóng.
Ban đầu chỉ xuất phát từ nhu cầu che thân, giữ ấm cơ thể và làm đẹp, dần dần sự thẩm nhận nét đẹp tinh tế từ tín ngưỡng dân gian, trong lao động sản xuất, từ thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, bản mường người Hà Nhì đã sáng tạo và gửi gắm vào trang phục truyền thống của mình các họa tiết hoa văn những ý niệm tín ngưỡng dân gian về thế giới thần linh, trong cuộc sống, lao động thường nhật.
Mỗi người phụ nữ Hà Nhì từ khi lớn lên đã được người mẹ dạy cách tự làm cho mình một bộ trang phục truyền thống như vậy. Có những bộ kỳ công, các họa tiết được làm bằng bạc thay vì nhôm. Mỗi ngày, sau thời gian đi nương rẫy lại tranh thủ thêu một chút. Có những người phải mất nhiều năm mới hoàn thành cho mình một bộ trang phục truyền thống.
“Bộ đội đầu” là phần cầu kỳ nhất của trang phục truyền thống người Hà Nhì Hoa.
Bộ đội đầu: Gồm 3 chi tiết, chi tiết thứ nhất (tro pà) vòng quấn giữ tóc hình tròn, được khâu bằng vải, phía ngoài đính các hạt cườm. Chi tiết thứ hai (ù khu) khăn là một mảnh vải vuông được khâu ba lớp: Lớp chủ đạo là miếng vải màu đen hình vuông, có kích thước trung bình 1,2 m x 1,2 m, một mặt để nguyên màu đen, một mặt có ba miếng vải khoảng 4 cm màu xanh, đỏ, vàng, xếp kế tiếp nhau, viền quanh miếng vải màu đen, quả bông làm từ các loại chỉ màu rực sỡ.
Bốn góc khăn thêu hoa văn sông núi, hoa bí và đính 4 tua, mỗi tua khăn là một dây hạt cườm dài 17-20cm chia làm hai đoạn. Đoạn nối từ các góc khăn đến chỗ chia chùm được xâu những hạt cườm loại to, kết thúc dây là một chùm quả bông len nhiều màu sắc rủ sang hai bên. Khi đội gấp khăn theo đường chéo để hai tua cườm vắt sang hai bên và buông dài xuống thái dương
Phần áo sẽ gồm áo dài và áo ngắn. Trong đó, áo dài (Á khò khò mó) là áo 5 thân, xẻ ngực, xẻ tà, cài khuy vải phía bên trái, thân áo màu đen hoặc màu chàm. Viền cổ áo, thân áo và tay áo được thêu hình núi, sông, đường thẳng gấp khúc, hình quả trám, hình hoa lá... với những đường thêu từ đơn giản đến phức tạp, màu sắc sặc sỡ bằng chỉ đỏ, hồng, vàng, xanh, vàng cam...phản ánh cuộc sống, mối quan hệ của con người với tự nhiên, thể hiện tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng của người Hà Nhì.
Phần thân tay áo được thêu vá rất cầu kỳ, để trang phục nổi bật hơn, phụ nữ dân tộc Hà Nhì đã chắp ghép những mảnh vải nhỏ nhiều màu lên tay áo từ bả vai tới khuỷu tay. Đối với phụ nữ trung niên, người già ống tay áo được chắp ghép bằng những mảnh vải nhỏ màu trầm, chủ yếu là màu xanh, đen. Đối với phụ nữ trẻ đã có chồng và thiếu nữ thì ống tay áo được chắp ghép bằng những mảnh vải màu sắc sặc sỡ, tươi sáng, chủ đạo là màu đỏ, hồng, xanh trắng...đan xen nhau tượng trưng cho bảy sắc cầu vòng, những bông hoa của núi rừng. Do đó, khi nhìn vào ống tay áo có thể phân biệt được phụ nữ ở độ tuổi trung niên, người già với lớp trẻ.
Tay áo được người Hà Nhì thêu vá rất cầu kỳ, nhìn vào phần ống tay có thể phân biệt được độ tuổi của người mặc.
Áo ngắn (á khò khò tư) là phần nổi bật nhất của trang phục phụ nữ Hà Nhì. Áo có chiều dài bằng 1/2 chiều dài áo dài, không có tay áo, may theo kiều 5 thân cài cúc bạc ở phía nách phải. Viền cổ, nẹp áo được thêu từ đơn giản tới phức tạp như thêu hình móc xích, hình dấu nhân, hình mặt trăng, hình núi, hình sao, hình hoa lá... thêu đứt mũi bằng chỉ đỏ, chỉ hồng, vàng, xanh nổi bật trên nền vải đen làm tôn vẻ đẹp tươi sáng, rạng rỡ cho người phụ nữ.
Xung quanh ngực áo được đính nhiều hạt nhôm lồi (cứ khọ) đường kính 0,5 -0,7 cm tạo thành dãy những hình tam giác nối tiếp nhau tượng trưng cho núi và thể hiện cảnh sắc thiên nhiên, quan niệm tâm linh về bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sống của con người. Trung tâm ngực áo được đính hạt nhôm lồi tạo hình tam giác, những đồng xu bằng kim loại tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời và lục lạc nhằm tạo ra âm thanh khi di chuyển, đó cũng là những tín hiệu để các chàng trai tìm đến các cô gái, đồng thời tô thêm vẻ đẹp, thể hiện sự phú quý, sung túc của người mặc áo.
Ngực áo được đính những chùm lục lạc sẽ phát ra tiếng kêu khi di chuyển.
Với phụ nữ Hà Nhì đã có chồng, ống tay áo được chắp ghép bằng những mảnh vải màu sắc sặc sỡ tượng trưng cho bảy sắc cầu vồng, những bông hoa của núi rừng.
Quần (hlà truỳ) được may theo kiểu “chân què” cạp lá tọa, ống rộng màu đen hoặc màu chàm và được cố định bằng thắt lưng khi mặc.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhưng trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì vẫn luôn tồn tại, gìn giữ và có sức sống lâu bền, qua bao thế hệ. Với sự tài hoa trong nghệ thuật tạo hình trên trang phục, dân tộc Hà Nhì huyện Mường Nhé đã tạo ra nét độc đáo riêng cho trang phục truyền thống của dân tộc mình, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Cho dù cuộc sống hiện đại đang làm đổi thay nhiều giá trị nhưng người Hà Nhì ở Điện Biên vẫn luôn xem bộ trang phục truyền thống là hơi thở, là cuộc sống, là máu thịt của mình với suy nghĩ, niềm tin ấy, tinh thần giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống đã được phụ nữ người Hà Nhì tích cực trao truyền, dạy lại cho các thế con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác nhằm nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn giữ gìn các giá trị văn hóa trong đó có trang phục thuyền thống.