Xạ Phang là một trong những dân tộc thiểu số ít người, sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Tại tỉnh Điện Biên, người Xạ Phang sinh sống tập trung ở 10 bản thuộc 6 xã của các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa với số dân hơn 2.000 người. Mặc dù sống gần gũi với các dân tộc khác nhưng người Xạ Phang vẫn gìn giữ, bảo lưu được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc trong lao động, sinh hoạt hàng ngày, trong đó nghề làm giày thêu là một điển hình.
Nghề làm giày thêu (liển hài) của người Xạ Phang được thực hành, trao truyền trong gia đình, cộng đồng, không chỉ là truyền dạy tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, còn ẩn chứa những thông điệp nhân văn sâu sắc về lối sống tích cực, chăm chỉ, tính nhẫn nại, kiên trì của người Xạ Phang. Đây là các yếu tố nội sinh để đến nay di sản được giữ gìn, bảo tồn rất tốt, có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần gắn kết cộng đồng, bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Giày của người Xạ Phang có nhiều loại để phân biệt giới tính, độ tuổi và mục đích sử dụng hàng ngày cũng như trong những sự kiện trọng đại của lễ tục vòng đời. Mỗi loại đều có kiểu dáng, màu sắc, họa tiết riêng trên các bộ phận cấu thành của chiếc giày. Đôi giày của người Xạ Phang do những người phụ nữ tự khâu, thêu cho các thành viên trong gia đình sử dụng và tích lũy dùng dần. Để hoàn thiện một đôi giày thêu, người phụ nữ Xạ Phang phải mất khoảng thời gian từ 10 - 12 ngày.
Để làm được một đôi giày thêu tốt, phải trải qua nhiều công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, lựa chọn kiểu giày phù hợp với đối tượng sử dụng để cắt và khâu đế giày, tạo hình hoa văn, thêu hoa văn trên thân giày, khâu ráp thân giày, quai giày với đế để hoàn chỉnh giày. Việc chế tác và thêu các họa tiết hoa văn sặc sỡ, độc đáo thể hiện sự tinh tế, bàn tay khéo léo, tư duy thẩm mỹ sáng tạo của người phụ nữ Xạ Phang.
Hiện nay, tại các bản làng người Xạ Phang sinh sống, các em nhỏ khi đến độ tuổi từ 10-12 tuổi được mẹ, chị, bà truyền dạy cho cách thuê thùa, may vá; tạo lập nên ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng, tộc người cho thế hệ trẻ.
Với giá trị tiêu biểu, nghề làm giày thêu của người Xạ Phang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2021.
Như vậy, đến nay tỉnh Điện Biên đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cụ thể gồm: Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang) ở các xã Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa), xã Huổi Lèng, Sa Lông (huyện Mường Chà) và xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ); Nghệ thuật trình diễn múa dân gian của người Khơ Mú tại thành phố Điện Biên Phủ và các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà và Nậm Pồ; Nghệ thuật Xòe Thái (tỉnh Điện Biên); Tết Nào Pê chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng (xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng); Lễ Kin Pang Then của người Thái Trắng tại bản Na Nát (phường Na Lay, thị xã Mường Lay); Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên), Tết té nước của người Lào tại bản Na Sang 1 (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên); Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại bản Cổng Trời (xã Sa Lông, huyện Mường Chà); Lễ Gạ ma thú của người Hà Nhì (huyện Mường Nhé); Tết “Mền loóng phạt ái” của người Cống; Lễ Tủ cải (Lễ cấp sắc) của người Dao quần chẹt bản Huổi Lóng (xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa); Lễ Pang Phoóng của người Kháng (huyện Tuần Giáo).