Lên Điện Biên vào dịp này, du khách có thể chiêm ngưỡng những con đường, triền đồi Hoa Ban bung cánh, mang vẻ đẹp đằm thắm, tinh khôi phủ khắp núi rừng Điện Biên. Đặc biệt thả bộ trên những con đường, điểm di tích như: Cung đường Nguyễn Hữu Thọ, Tượng Đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, cung đường dẫn vào thanh phố Điện Biên hay Đồi A1… bạn sẽ vô cùng thích thú khi có những bức ảnh đẹp, vương trên vai một vài cánh hoa, cảm nhận hương thơm hoa ban nhẹ nhàng trong gió. Ban có hai loài, hoa ban đỏ và hoa ban trắng, loài hoa trắng chiếm đa số. Hoa Ban thường có 5 cánh, nhị màu hồng, gân màu tím. Nhị hoa Ban mang vị ngọt, quyến rũ nhiều loài côn trùng, nhất là các loài lấy mật như ong và bướm. Tên gọi hoa Ban theo tiếng dân tộc Thái, có nghĩa hoa Ngọt.
Hiện nay hoa ban Điện Biên đã vào độ khi dần trút hết lá. Trên thân cành khẳng khiu, những cánh ban đầu tiên bắt đầu bung nở. Từ xa, những bông ban rừng trắng tinh khôi khiến ta có cảm giác như đám mây bồng bềnh, vờn quanh khắp các thung sâu, vách núi. Hoa Ban ẩn hiện trên những cung đường đèo dốc, bên dòng suối nước trong veo, hay thấp thoáng sau tầng tầng, lớp lớp ruộng bậc thang của người dân địa phương. Ở Điện Biên, hoa ban phân bổ nhiều nhất tại các huyện: Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà, Điện Biên...
Theo Anh Nguyễn Thiện nhiếp ảnh gia thành phố Điện Biên cho biết: Thời điểm ngắm hoa ban đẹp nhất là vào sáng sớm, khi những cánh ban vừa hé nở còn cõng đầy sương, thấp thoáng sau ánh mặt trời của ngày mới. Cảm nhận hoa ban bằng mắt thôi chưa đủ, mà phải qua khứu giác với hương thơm nhẹ dịu, thanh khiết, và “nghe” đâu đó tiếng hoa “vấn vít” trong từng làn gió thoảng giữa không gian đất trời nơi núi rừng Tây Bắc. Không chỉ mang vẻ đẹp tinh khiết, Hoa Ban còn là biểu trưng của tình yêu trong trắng, son sắt. Vượt qua mọi cách trở, đôi lứa ấy vẫn quyết ở bên nhau để giữ trọn lời thề, trọn sự thủy chung. Chính bởi vậy, hoa ban mang một giá trị đặc biệt và được đồng bào các dân tộc nơi đây bảo vệ, tôn thờ. Chị Lò Thị Tiển Oanh, bản Noong Chứn chia sẻ: Hoa ban tượng trưng cho con gái Thái núi rừng Tây Bắc, Hoa ban sinh ra chính nhờ thiên tình sử của người con gái Thái “Ngày xưa có một người con gái tên là Ban rất là xinh đẹp yêu một chàng trai tên là Khum do tình duyên giữa cô và chàng không thành nên cô đã chết, khi cô chết đã hóa thành cây hoa Ban, chàng người yêu tên là Khum chết theo hóa thành con chim, kể từ đó những cô gái thái luôn yêu thích hoa ban…”
Hoa ban không những để ngắm mà còn là một món ăn ẩm thực nổi tiếng tại Điện Biên và nấu được rất nhiều món ăn, song đối với dân tộc Thái hoa ban được họ chế biến thành những món nộm rất ngon, tạo nên một hương vị đặc biệt mà không thể hòa lẫn với các món khác, để lựa chọn được món nộm ngon từ hoa ban thì phải là hoa ban hái ở rừng, vì trên rừng mới tìm được hoa ban tạo nên hương vị riêng biệt của núi rừng Tây Bắc.
Có lẽ, cũng bởi chẳng thể cưỡng lại trước vẻ đẹp của hoa ban, cũng như sự thán phục trước câu chuyện tình đẹp nhưng đầy ngang trái trong truyền thuyết mà cố nhạc sỹ Trần Lập đã sáng tác ca khúc mang tên Hoa Ban trắng. Để rồi không ít chàng trai thành thị, khi lên Tây Bắc, đến với núi rừng Điện Biên cũng phải nghêu ngao cất lên vài ba câu hát... “Nàng đã chết bên bờ vách đá treo leo/ Từ đó nơi này hoa trắng lưu huyền/ Mùa xuân chim trời da diết gọi về/ Rừng hát dạt dào hương ngát hoa Ban...