• Geneviève de Gallard nữ tù binh duy nhất ở chiến trường Điện Biên Phủ
  • Thời gian đăng: 13/01/2021 02:38:01 PM
  • Trong số hơn 10 nghìn tù binh bị bắt tại mặt trận Điện Biên Phủ, có duy nhất một nữ tù binh - nữ y tá Geneviève de Gallard. Sau khi bị bắt, cô đã nhận được đặc ân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tha sớm nhất và mang nặng tình cảm với Việt Nam cho đến cuối đời.
  • n-y-t-.jpg

    Hình ảnh nữ y tá Geneviève de Gallard, tham gia mặt trận Điện Biên Phủ

    Geneviève de Gallard, tham gia mặt trận Điện Biên Phủ khi chừng 30 tuổi, cô từng là một tiếp viên hàng không. Cô được đưa lên Điện Biên Phủ với nhiệm vụ tải thương, làm việc trên các chuyến bay đưa thương, bệnh binh từ Điện Biên Phủ về Hà Nội. Từ đây cô thực hiện nhiệm vụ của một y tá mặt trận chạy khắp chiến trường đầy bom đạn và sự chết chóc để sơ cứu và vận chuyển thương binh về các trạm phẫu thuật dã chiến. Từ giữa trận chiến, khi trận địa của Việt Minh ngày càng được mở rộng. Không nhận ra được những nhược điểm của "con nhím" Điện Biên Phủ, quân Pháp dần sa lầy vào cái bẫy do chính họ tạo ra. Cuộc sống cùng cực, chui rúc, thiếu lương thực, nước uống, thuốc men; bệnh tật, ròi nhặng, bùn lầy và xác chết hành hạ được ví như "địa ngục trần gian". Con đường tiếp viện duy nhất bằng hàng không vốn uy lực trước đó bị tê liệt hoàn toàn trước sức mạnh pháo binh Việt Nam, khiến cho không chỉ lính Pháp mà Bộ chỉ huy cũng như toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mất dần sức chiến đấu, suy yếu và chờ đợi ngày tàn trong tuyệt vọng. Cũng như tất cả lính Pháp, Geneviève de Gallard sống và làm việc trong những điều kiện thiếu thốn và khó khăn, có chăng là thái độ tích cực và lạc quan của cô đã tác động mạnh tới tinh thần binh sĩ. Cô thường xuyên an ủi những người sắp chết và luôn duy trì sự cứng rắn, dũng cảm khi đối mặt với thương vong, thất bại ngày một gia tăng trước cuộc chiến một mất một còn này.

    Ngày 07/5/1954, Quân đội ta chính thức mở đợt tổng tiến công nhằm kết thúc chiến dịch quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ bốn phía, các cánh quân như những gọng kìm tiến thẳng hầm chỉ huy quân địch, tiêu diệt xào huyệt cuối cùng, bắt sống De Castries. Nhiều tài liệu có ghi lại rằng Geneviève de Gallard có mặt trong số những người bị bắt tại hầm chỉ huy, vì trước đó cô được triệu tập về đây theo lệnh của De Castries.

    Ngay sau khi bị bắt, Geneviève de Gallard và các bác sĩ Pháp đã cùng với các bác sĩ Việt Nam chăm sóc cho số tù binh bị thương. Chính cô đã mạnh dạn viết thư cho Hồ Chủ tịch xin được ân xá. Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21/5/1954 tất cả thương binh nặng và Geneviève de Gallard được lên máy bay rời Điện Biên Phủ về Hà Nội trong niềm vui sướng vô bờ. Trước đó cô đã gửi tiếp thư cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghĩa cử quân đội Việt Nam đã đối xử tử tế, chăm sóc chu đáo thích đáng đối với tù binh Pháp. Tại sân bay Gia Lâm, G.Gallard đã trả lời phỏng vấn báo chí: “Nếu biết được lòng khoan dung của Cụ Hồ và nhân dân Việt Nam thì tôi đã xin làm tù binh sớm hơn”.

    Trở về Pari, Geneviève de Gallard kết hôn hai năm sau đó và sống cuộc sống bình dị của một người phụ nữ bình thường. Tháng 11/2003, ở tuổi 80 Geneviève de Gallard cho ra đời cuốn sách "Một phụ nữ ở Điện Biên Phủ” trong đó có đoạn: “Từ lâu, tôi ao ước được quay lại Việt Nam. Gần đây tôi biết Việt Nam đã thực hiện những nỗ lực cải cách. Qua một số bộ phim, tôi lại được thấy Điện Biên Phủ tươi đẹp hơn. Thời gian trôi qua, những ký ức về Điện Biên Phủ vẫn sống mãi trong lòng tôi”.

    Chiến tranh đã lùi xa, trong ký ức hoài niệm của những người cựu binh năm xưa về một thời bom đạn tại chảo lửa Điện Biên Phủ sẽ mãi không phai mờ! Geneviève de Gallard, bà đã sống những ngày tháng ở Điện Biên Phủ trở nên đáng sống, là những ký ức đẹp đẽ trong suốt cuộc đời.

  • Tác giả: Ngọc Linh, ảnh sưu tầm