Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP bền vững trên địa bàn tỉnh
  • Thời gian đăng: 15/11/2021 02:36:28 PM
  • Nhằm hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã được cấp chứng nhận theo hướng phát triển bền vững, gắn liền với hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho sản phảm; nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho chủ thể và người dân. Đồng thời củng cỗ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP tỉnh Điện Biên bền vững. UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch số 3770/KH-UBND về việc phát triển các sản phẩm OCOP bền vững tỉnh Điện Biên.
  • Mat-ong-hoa-Ban-va-mat-ong-banh-to-san-pham-OCOP-4-sao-tinh-Dien-Bien.jpg

    Mật ong Hoa Ban Điện Biên và Mật ong Bánh Tổ sản phẩm OCOP đạt 4 sao của tỉnh Điện Biên

    Nội dung kế hoạch gồm 02 hoạt động chính là hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP và định hướng nội dung hỗ trợ phát triến sản phẩm, cụ thể:

    Hoạt động hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

    Giai đoạn từ năm 2021-2023 sẽ hỗ trợ phát triển cho 11 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận năm 2019 và 2020. Ưu tiên tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các chủ thể; phát triển vùng nguyên liệu sản xuất và từng bước hoàn thiện, mở rộng quy mô sản xuất (nhà xưởng, máy móc thiết bị sơ chế, chế biến…) đáp ứng nhu cầu của thị trường; hoàn thiện nâng cao chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Sau khi kết thúc giai đoạn này, sẽ tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, tuyên truyền và xem xét ban hành kế hoạch nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

    Định hướng nội dung hỗ trợ phát triển sản phẩm

    - Củng cố tổ chức, mở rộng quy mô sản xuất: Kiện toàn lại hệ thống tổ chức của chủ thể, xây dựng hệ thống quản lý giám sát; hoàn thiện quy trình sản xuất đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.

    - Phát triển vùng nguyên liệu: Phát triển các mối liên kết với hộ dân, nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm OCOP.

    - Hoàn thiện mẫu mã, bao bì, nhãn mác của sản phẩm để đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường, phong phú, đa dạng và tiện dụng hơn.

    - Hoàn chỉnh câu chuyện sản phẩm: Xây dựng nội dung câu chuyện sản phẩm hấp dẫn, thu hút khách hàng.

    - Phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên; ưu tiên xây dựng các dự gắn với du lịch danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nông nghiệp trải nghiệm theo từng năm và giai đoạn.

    - Phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP: Nâng cao khả năng tiếp thị cho các chủ thể; tổ chức quảng bá, tiếp thị cho các sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, định hướng áp dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá và tiếp thị; lồng ghép giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong các hội chợ thương mại tại các địa phương…

    OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình cần được triển khai một cách có hệ thống với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các sở ngành và các chủ thể để chương trình không chỉ là một phong trào hay một cuộc vận động đơn thuần.

  • Tác giả: Thu Trang