Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Theo Quyết định, Quy hoạch được xây dựng nhằm phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài; khắc phục được những tồn tại, bất cập, bảo đảm phát huy lợi thế quốc gia, tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng vùng, từng địa phương.
Quy hoạch hướng đến mục tiêu cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kết nối các ngành, các vùng theo quy hoạch tổng thể quốc gia.
Tạo công cụ hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước để quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển du lịch; cơ sở huy động nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch;
Xác định cơ sở định hướng phát triển du lịch cho các vùng, khu vực động lực, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch khác trong các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác liên quan đến lĩnh vực du lịch; quản lý, điều hành hoạt động phát triển du lịch, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch trung và dài hạn.
Quy hoạch có các nội dung chính gồm có: (1) Phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian của hệ thống du lịch; (2) Đánh giá liên kết ngành, liên kết vùng trong thực trạng hệ thống phát triển du lịch; (3) Dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển và biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống du lịch quốc gia trong thời kỳ quy hoạch; (4) Xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với phát triển du lịch; những cơ hội, thách thức phát triển của hệ thống du lịch; (5) Xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển hệ thống du lịch trong thời kỳ quy hoạch; (6) Xác định phương án, định hướng phát triển hệ thống du lịch trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ; (7) Định hướng bố trí sử dụng đất, diện tích mặt nước cho phát triển hệ thống du lịch và hoạt động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và bảo tồn sinh thái; (8) Danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch.
Giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: Giải pháp về phát triển sản phẩm - thị trường du lịch; giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch; Giải pháp phát triển doanh nghiệp du lịch và nguồn nhân lực du lịch; Giải pháp liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch; Giải pháp phối hợp liên ngành, liên địa phương trong phát triển du lịch; Giải pháp về đầu tư phát triển du lịch; giải pháp về cơ chế, chính sách; Giải pháp về tổ chức, quản lý; Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và phát triển du lịch; Giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; giải pháp khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; Giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch; Giải pháp khắc phục tính mùa vụ, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có trách nhiệm bảo đảm việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.
Các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình lập quy hoạch theo quy định của pháp luật và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.