Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Du lịch cần những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới
  • Thời gian đăng: 22/09/2022 07:42:03 AM
  • (TITC) - Ngày 8/9/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”.
  • 01.jpg

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Ảnh: TITC

    Diễn đàn có sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng… Về phía đại biểu quốc tế có Bộ trưởng Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia; Bộ trưởng Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar; Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào; cùng các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

    Diễn đàn gồm 2 phiên, phiên 1 có chủ đề “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế”, phiên 2 là “Du lịch MICE - Giải pháp phục hồi và phát triển”. Diễn đàn là hoạt động quan trọng của ngành du lịch trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 (ITE HCMC 2022).

    Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhằm nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau tác động của đại dịch COVID-19, Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết phục hồi kinh tế, trong đó có chương trình phục hồi du lịch với tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nhờ đó, hoạt động du lịch nội địa từng bước hoạt động trở lại thông qua Chương trình “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” do Bộ VHTTDL phát động. Đối với thị trường quốc tế, Việt Nam thực hiện thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 20/11/2021 và mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022.

    02.jpg

    Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: TITC

    Trong bối cảnh bình thường mới, ngành du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phục hồi du lịch như: Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 - Quảng Nam vào cuối tháng 3/2022; sau đó là các hoạt động Liên kết phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Liên kết hợp tác giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ; Liên kết hợp tác giữa các tỉnh Tây Nguyên tại Kon Tum; Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội... Đặc biệt, Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh là sự kiện xúc tiến du lịch quốc tế đầu tiên có quy mô lớn được tổ chức kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại.

    Kết quả 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 1,4 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ gần 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 356 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và lao động quay trở lại hoạt động, làm việc trong lĩnh vực du lịch tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến nhận được lượng tìm kiếm tăng cao nhất thế giới, từ 50%-75%. Có thể khẳng định, ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, chủ động cấu trúc lại thị trường, qua đó từng bước phục hồi hoạt động toàn ngành.

    Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến trên toàn cầu ngày càng gay gắt, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo phù hợp với xu hướng du lịch sau đại dịch COVID-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam. Vì vậy thông qua diễn đàn này, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia du lịch, đại biểu từ các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch để đưa ra những sáng kiến, giải pháp nhằm phục hồi du lịch quốc tế, đặc biệt là du lịch MICE. Bộ trưởng tin tưởng rằng với chủ đề “Cùng vững bước, cùng đi lên” của Hội chợ ITE năm nay, du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi và phát triển bền vững.

    03.jpg

    Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tại diễn đàn. Ảnh: TITC

    Phát triển du lịch MICE là hướng đi chủ lực của ngành du lịch

    Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa lý thuận lợi, là trung tâm của khu vực Đông Nam Á, cửa ngõ giao lưu quốc tế và cũng là trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ, giáo dục, đào tạo, trung tâm du lịch lớn nhất của Việt Nam. Trong giai đoạn 2016-2019, trước dịch bệnh COVID-19, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp bình quân 10-12% trong GRDP của Thành phố, khách du lịch quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh chiếm gần 50% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Doanh thu từ khách du lịch quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 1/4 doanh thu từ khách du lịch quốc tế của cả nước.

    Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế trong bối cảnh mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai xúc tiến quảng bá thông qua chiến dịch truyền thông “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn”; xây dựng sản phẩm mới đặc thù của Thành phố với điểm nhấn là chương trình “Mỗi quận huyện là một sản phẩm du lịch đặc trưng”; liên kết với các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức các sản phẩm liên vùng trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút du khách, nhất là các đoàn khách MICE đến Thành phố.

    06.jpg

    Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng diễn đàn. Ảnh: TITC

    Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên thuộc hàng kỳ quan thế giới, bãi biển đẹp, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng hoàn thiện, hệ thống khách sạn, resort đẳng cấp quốc tế, được đầu tư xây dựng mạnh mẽ trong những năm gần đây, tình hình chính trị ổn định, sự hiếu khách của người dân. 

    Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.  

    “Trong bối cảnh thị trường du lịch dần sôi động trở lại, phát triển du lịch MICE đang được nhiều địa phương, doanh nghiệp xác định là hướng đi chủ lực, tạo sức bật cho du lịch trên chặng đường phục hồi, phát triển sau thời gian dài trầm lắng do dịch bệnh. Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm có khả năng đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng”, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

    Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan. Trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE, tăng cường năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp; liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE có khả năng cạnh tranh cao; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch MICE.

    Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe các diễn giả trong nước và quốc tế trình bày các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch quốc tế và du lịch MICE. Đồng thời nghe Lãnh đạo Bộ quản lý du lịch các nước bạn giới thiệu tiềm năng du lịch của mỗi nước, tình hình mở cửa và phục hồi du lịch, cơ hội hợp tác phát triển với Việt Nam và các nước trong khu vực.

    05.jpg

    Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: TITC

    Du lịch cần những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới

    Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để du lịch lấy lại những gì đã mất trong 2 năm dịch bệnh, nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần có những giải pháp đột phá, mạnh dạn thí điểm các mô hình, cơ chế mới.

    Phó Thủ tướng đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn, sự kiện du lịch quốc tế lớn đầu tiên của Việt Nam sau khi mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch.

    "Chúng ta đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất của đại dịch COVID-19", Phó Thủ tướng chia sẻ và gửi lời cảm ơn đến các lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cả nước, bạn bè quốc tế đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp trong những thời khắc khó khăn do dịch bệnh.

    Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước đại dịch, du lịch thế giới đã tăng trưởng liên tục 10 năm, đóng góp 10,4% GDP toàn cầu. Ở Việt Nam, năm 2019, du lịch tăng trưởng 16,5%, đóng góp 9,2% GDP, với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế, ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách trong nước và quốc tế.

    Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch thế giới bị thiệt hại rất nặng nề, ước tính khoảng 2.000 tỷ USD, 62 triệu việc làm bị mất. Khách quốc tế giảm 70%, khách trong nước giảm hơn 50%. Đến nay, du lịch thế giới đã từng bước phục hồi, có thêm 18 triệu việc làm, đóng góp khoảng 6,1% GDP toàn cầu. Với việc tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, một số nghiên cứu dự đoán đến hết năm 2023 du lịch thế giới mới đạt mức tăng trưởng như trước đại dịch.

    08.jpg

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Ảnh: TITC

    Đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết, sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được ban hành tháng 10/2021, cùng với việc nhanh chóng tăng tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19, du lịch Việt Nam đã từng bước phục hồi, tiến tới mở cửa hoàn toàn vào ngày 15/3/2022, so với mục tiêu đặt ra trước đó là ngày 30/4/2022. Du lịch trong nước đã có bước khởi sắc rất tốt. Du lịch quốc tế đang từng bước phục hồi.

    Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành du lịch, đã tranh thủ trong thời gian dịch bệnh để tập trung đổi mới sản phẩm, sửa sang cơ sở vật chất, nỗ lực vượt qua những khó khăn. Đây là cơ sở để Việt Nam tự tin thực hiện những giải pháp mở rộng, phát triển hơn nữa du lịch trong bối cảnh mới một cách an toàn, linh hoạt, mạnh mẽ.

    Nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nhanh hơn các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, trong đó có lĩnh vực du lịch, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần có hỗ trợ cần thiết cho các lao động trong ngành du lịch quay trở lại; trợ giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá thể kinh doanh dịch vụ du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn.

    07.jpg

    Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: TITC

    Về vấn đề nhân lực du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng phải huy động được các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp du lịch tham gia đào tạo. Bộ VHTTDL cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội, đề xuất cơ chế, báo cáo cấp thẩm quyền cho phép thí điểm những mô hình đào tạo mới.

    Thứ hai là phát triển du lịch xanh tối đa để bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn. Trước hết là những sản phẩm, dịch vụ trong khu lưu trú bớt dùng đồ nhựa, đồ nylon, sau đó lan toả ra các khu dân cư xung quanh.

    Thứ ba là đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số. Không chỉ việc giúp du khách tìm hiểu các sản phẩm, điểm đến, thanh toán các dịch vụ du lịch qua điện thoại thông mình, mà còn là số hoá các sản phẩm du lịch, các bảo tàng, di tích, điểm đến để du khách tìm hiểu thuận lợi trước khi đến.

    Thứ tư là tăng cường kết nối hơn nữa giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, các quốc gia trong khu vực trên tinh thần cùng có lợi, không chỉ để phát triển du lịch, mà còn để cuộc sống của người dân thêm phong phú, nhiều trải nghiệm hơn.

    04.jpg

    Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: TITC

    Nhấn mạnh yêu cầu phải có các giải pháp mang tính đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục chủ trì, phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch để nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ rất cụ thể những khó khăn, vướng mắc.

    "Trong lúc chưa sửa được luật thì xin làm thí điểm, chưa làm được toàn quốc thì làm ở những vùng có thế mạnh, vùng trọng điểm về du lịch. Có rất nhiều việc không chỉ ngành du lịch làm được như giá điện, thuế, đất đai, cấp thị thực nhập cảnh… nên rất cần sự chung tay của các bộ, ngành", Phó Thủ tướng nói.

    Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tất cả các khâu trong phát triển du lịch từ xúc tiến quảng bá, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm, nhân lực, xây dựng môi trường văn hoá… phải được thực hiện nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa nhằm lấy lại quãng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

    Các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp với nhau, có những giải pháp rất mạnh mẽ, giải quyết dứt điểm, triệt để từng vấn đề, vướng mắc gặp phải, thúc đẩy du lịch góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn sau đại dịch.

     

  • Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Tổng cục Du lịch
  • Hình ảnh: Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
  • Tổng cục Du lịch chính thức khởi động chương trình truyền thông “Live fully in Vietnam” đón khách quốc tế
  • Khai trương phòng chờ Thương gia First Lounge by Bamboo Airways tại Cảng hàng không Điện Biên Phủ
  • Thị xã Mường Lay không tổ chức Lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ VIII, năm 2022
  • Trao giải cuộc thi video/clip “Phụ nữ Điện Biên chung tay quảng bá du lịch địa phương”
  • Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP bền vững trên địa bàn tỉnh
  • Lễ công bố, trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang”, thuộc loại hình tri thức dân gian đối với nghề làm giày của cộng đồng dân tộc người Xạ Phang
  • Khởi nghiệp và gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc
  • Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
  • Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới
  • Trang: 
  • 651-660 of 996<  ...  61  62  63  64  65  66  67  68  69  70  ...  >