Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
  • Thời gian đăng: 19/07/2021 09:52:20 AM
  • ĐBP - Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025. Để làm được điều đó, ngành Du lịch Điện Biên cần khắc phục được những tồn tại, hạn chế của giai đoạn vừa qua và quan tâm thúc đẩy hơn nữa để phát triển xứng tầm với tiềm năng thông qua những giải pháp đột phá, hiệu quả.
  • Du-kh-ch-tham-quan.jpg

    Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ (ảnh chụp tháng 3/2021). Ảnh: Nguyễn Hiền

    Bài 1:  Nhiệm kỳ mới với mục tiêu bứt phá

    Những năm qua, du lịch Điện Biên đã có nhiều khởi sắc. Không gian phát triển du lịch được mở rộng. Một số sản phẩm du lịch mới đã được đưa vào khai thác, thu hút khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Tuy nhiên so với tiềm năng, lợi thế về lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên thiên của tỉnh nhà thì du lịch vẫn được đánh giá phát triển chưa tương xứng. Nhiệm kỳ mới này, Điện Biên có nhiều điều kiện thuận lợi, có thể nói “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để ngành Du lịch bứt phá, tạo nên những thay đổi lớn nếu có những giải pháp hữu hiệu.

    Tìm giải pháp hữu hiệu

    Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt 3 triệu lượt; trong đó khách du lịch quốc tế đạt 437.800 lượt, tăng 56,5% so với giai đoạn 2011 - 2015; tổng doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt 4.768 tỷ đồng, tăng 126% so với giai đoạn trước; góp phần giải quyết việc làm cho 14.000 lao động, trong đó có 6.000 lao động trực tiếp. Tuy nhiên các chỉ tiêu phát triển du lịch phát triển chưa bền vững. Số lượng khách đến Điện Biên dù có sự gia tăng qua từng năm nhưng chưa cao, thời gian lưu trú ngắn. Nghị quyết về phát triển du lịch cho nhiệm kỳ mới đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 nâng tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh; số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đến Điện Biên từ 3 ngày trở lên; tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đạt 15%/năm; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 15%/năm.

    Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định rằng: 4 vấn đề then chốt cần tập trung tháo gỡ để du lịch Điện Biên bứt phá và phát triển bền vững trong thời gian tới là rà soát hoàn thiện quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào du lịch; phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tỉnh nhà.

    Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung xây dựng các quy hoạch, đề án; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng khu lịch. Cùng với đó là 7 giải pháp chủ yếu, bao gồm: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng phát triển du lịch; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

    Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy

    Nâng cao nhận thức, cách thức quản lý, đổi mới tư duy của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch là giải pháp mới và được nhắc đến đầu tiên trong Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực tế đánh giá, cho đến nay, công tác phát triển du lịch tại tỉnh ta vẫn được cho là nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn Nhà nước. Điều này là một trong những tồn tại kìm hãm việc mở rộng không gian và xã hội hóa trong phát triển du lịch. Cùng thẳng thắn nhìn lại nhiệm kỳ trước để thấy sự cần thiết đổi mới tư duy, nhận thức trong phát triển du lịch.

    Trước đó, năm 2016, lần đầu tiên tỉnh ta ban hành nghị quyết về phát triển du lịch (Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030). Nhận thức của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhân dân về du lịch đã có những thay đổi, chuyển biến. Có thể thấy qua việc các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, tổ chức lập quy hoạch các khu, điểm, sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện nhằm khai thác tài nguyên du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện Tuần Giáo xây dựng quy hoạch chi tiết khu du lịch suối Khoáng nóng bản Sáng - xã Quài Cang; khảo sát và đưa vào quy hoạch các điểm có tiềm năng phát triển du lịch như: Khu vực Đèo Pha Đin, khu sinh thái Tênh Phông, thác Mường Thín… Huyện Tủa Chùa phát triển các bản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá. TX. Mường Lay tổ chức khảo sát các tuyến du lịch Mường Lay kết nối với các địa điểm trong và ngoài tỉnh... UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên môn tham mưu, xây dựng dự thảo quyết định phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch, như: Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, Công viên đa chức năng ven sông Nậm Rốm, Khu du lịch hồ Huổi Phạ, Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại khu Đồi F, Công viên sinh thái huyện Mường Nhé, Khu du lịch tâm linh bản Tá Miếu, Khu du lịch thành Vàng Lồng, Du lịch sinh thái lòng hồ Sông Đà…

    Ông Đoàn Văn Chì cho rằng: Trước đây, ngành Du lịch tỉnh ta còn tồn tại tư duy “cá chui vào thì bắt”, từ khi có nghị quyết chuyên đề, du lịch được quan tâm đầu tư hơn, tăng tính cạnh tranh, sức hấp dẫn, thu hút du khách. Tuy nhiên để thu được trái ngọt thì cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước và nhân dân phải thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế, cùng quan tâm đầu tư, phát triển du lịch. Nhận thức đầy đủ về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và mang bản sắc văn hóa đặc trưng; có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

    Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 đã đề ra định hướng, xác định nhiệm vụ, giải pháp cho du lịch tỉnh nhà phát triển trong giai đoạn mới. Đi vào từng nội dung trọng tâm, cần có những hướng đi, cách khắc phục tồn tại, hạn chế và bứt phá cụ thể.

    (còn tiếp Bài 2: Để du lịch phát triển xứng với tiềm năng)

  • Tác giả: Nguyễn Hiền - Diệp Chi
  • Nguồn tin: Nguồn Báo Điện Biên Phủ online
  • Hình ảnh: Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
  • Tổng cục Du lịch chính thức khởi động chương trình truyền thông “Live fully in Vietnam” đón khách quốc tế
  • Khai trương phòng chờ Thương gia First Lounge by Bamboo Airways tại Cảng hàng không Điện Biên Phủ
  • Thị xã Mường Lay không tổ chức Lễ hội Đua thuyền đuôi én lần thứ VIII, năm 2022
  • Trao giải cuộc thi video/clip “Phụ nữ Điện Biên chung tay quảng bá du lịch địa phương”
  • Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP bền vững trên địa bàn tỉnh
  • Lễ công bố, trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang”, thuộc loại hình tri thức dân gian đối với nghề làm giày của cộng đồng dân tộc người Xạ Phang
  • Khởi nghiệp và gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc
  • Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
  • Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới
  • Trang: 
  • 651-660 of 996<  ...  61  62  63  64  65  66  67  68  69  70  ...  >