Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Nhân lực là khâu then chốt
  • Thời gian đăng: 20/07/2021 09:27:34 AM
  • Nhân lực là một trong những yếu tố có tính chất quyết định đến sự phát triển hoạt động du lịch. Thế nhưng nhìn vào thực tế, chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch của tỉnh nhà vẫn còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất cần những giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.
  • Nh-n-l-c-l-kh-u-ch-ch-t.jpg

    Thuyết minh viên Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giới thiệu với du khách về các hiện vật đang trưng bày (ảnh chụp trước 27/4/2021). Ảnh: P.V

    Chất lượng nhân lực chưa xứng tầm

    Cùng với sự phát triển chung, các hoạt động và dịch vụ du lịch phát triển đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, số lượng lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch không ngừng tăng lên: Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 14.000 người; trong đó 6.000 lao động trực tiếp và trên 8.000 lao động gián tiếp (năm 2019). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh hiện giảm còn khoảng 6.000 lao động; trong đó, khoảng 2.500 lao động trực tiếp và 3.500 lao động gián tiếp. Nhìn chung, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và kỹ năng nghề của lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch còn thấp. Lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, lực lượng lao động trực tiếp ở các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều.

    Có thể nhận thấy điều đó ngay khi tới các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Đội ngũ lễ tân, phục vụ phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo hoặc người nhà chủ cơ sở trực tiếp đảm nhiệm. Do vậy nên tác phong thiếu chuyên nghiệp, phục vụ mang tính chất tự phát, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách. Đó là chưa kể tới vấn đề giao tiếp, đặc biệt ngoại ngữ đang là một khâu yếu của nhân lực ngành Du lịch Điện Biên. Anh Nguyễn Bình Minh, du khách tới từ Hà Nội chia sẻ một câu chuyện xảy ra từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát: “Tới thăm Điện Biên vào một dịp cuối tuần, tôi có ghé một nhà hàng có cả tên và phong cách rất hiện đại trên đường Nguyễn Chí Thanh để ăn trưa. Cùng dùng bữa trong nhà hàng lúc đó có 2 du khách người nước ngoài. Điều khá buồn là cả nhân viên phục vụ, cả chủ nhà hàng đều không thể giao tiếp được bằng tiếng Anh - ngôn ngữ khá thông dụng hiện nay. Vậy nên, cả chủ và khách đều phải giao tiếp bằng… tay và rất khó khăn để có thể hiểu nhau muốn nói gì. Thậm chí khi khách hỏi mật khẩu wifi phải có một vị khách khác phiên dịch giúp thì nhân viên mới biết để trả lời. Sự bất tiện này không phải quá lớn nhưng đã để lại ấn tượng không hay trong lòng của 2 vị du khách nước ngoài kia”.

    Thêm nữa, với tình hình hiện nay của ngành du lịch, rất khó để “giữ chân” lao động chứ đừng nói thu hút được nguồn nhân lực có trình độ, có chất lượng cao. Sự bùng phát của dịch Covid-19 phủ bóng đen lên toàn ngành du lịch. Các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch lớn, nhỏ đều phải cắt giảm nhân sự, vừa để đảm bảo giãn cách, vừa giảm chi phí. Vậy nên nhiều người không bám trụ lại được với nghề buộc phải chuyển sang làm công việc khác. Và khi đã ổn định với một công việc mới thì dù có mời chào như thế nào họ cũng sẽ không quay lại với ngành du lịch đang chìm trong ảm đạm vì đại dịch. Không chỉ vậy, nhiều con em địa phương đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học liên quan tới ngành du lịch nhưng cũng chưa mấy mặn mà trở về quê hương làm việc. Bởi mức thu nhập tại các thành phố lớn hấp dẫn hơn nhiều lần so với tại Điện Biên. Do đó, nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh nhà đã thiếu và yếu nay càng thêm trầm trọng. Thực trạng đó có tác động rất lớn đến ngành du lịch, khiến cho chất lượng phục vụ du lịch thấp, chưa đáp ứng yêu cầu du khách, làm giảm sức hấp dẫn, ấn tượng của các sản phẩm du lịch mà khách trải nghiệm tại Điện Biên…

    Đi từ những giải pháp căn cơ

    Trong Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là một trong những giải pháp chủ yếu được đưa ra. Trong đó, Nghị quyết xác định tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập; có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động toàn diện, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch trong quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, ứng dụng công nghệ hiện đại vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia hoạt động du lịch. Đa dạng các hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch.

    Để những giải pháp này sớm đi vào thực tiễn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan trực tiếp đảm đương trọng trách này đã xây dựng một số nhiệm vụ trọng tâm để tham mưu triển khai thực hiện ngay trong thời gian tới. Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, Sở tập trung củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch của tỉnh. Tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, ngoại ngữ, xúc tiến du lịch… Cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo tại các tỉnh trong nước và các nước trong khu vực để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, tổ chức công tác điều tra, khảo sát nhu cầu về nhân lực tại địa phương để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Trong đó, hình thành đội ngũ hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng...; tập trung hỗ trợ đào tạo, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo tiêu chuẩn nghề Việt Nam, tiêu chuẩn nghề ASEAN để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Định kỳ tổ chức các hội thi tay nghề các cấp, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch.

    Song song với việc phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, cũng cần chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bên ngoài, nhất là đối với sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn giỏi. Tuy nhiên phải xác định đây là giải pháp dài hơi. Để kéo được những người có tay nghề cao trong lĩnh vực du lịch phải cần có những chính sách lớn, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp du lịch sẵn sàng chi trả mức lương cao mới có thể hút được người lao động đến với mình.

    Cùng với đó, Sở xây dựng các giải pháp tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ, khuyến khích, định hướng học sinh theo học tại các ngành về du lịch. Hiện nay một số trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chuyển đổi, mở rộng ngành nghề đào tạo. Trong đó có Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Điện Biên bắt đầu quan tâm tới việc đào tạo các nghề liên quan tới du lịch. Sở sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các đơn vị có thể đưa học viên tới các điểm tham quan, trải nghiệm thực tế trong hoạt động du lịch.

    Có thể thấy rằng, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 đã tiếp nối những thành quả đạt được, chỉ ra con đường sáng cho du lịch Điện Biên có thể cất cánh trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, Nghị quyết ban hành vào đúng thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt của đời sống, trong đó có ngành du lịch. Sau đợt dịch này, sẽ phải mất nhiều thời gian để ngành du lịch có thể phục hồi bình thường trở lại. Vậy nên, để Nghị quyết số 03-NQ/TU thực sự đi vào cuộc sống, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh.

  • Tác giả: Nguyễn Hiền - Diệp Chi
  • Nguồn tin: Báo Điện Biên Phủ online
  • Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên tham gia Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá danh lam thắng cảnh quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Yên Bái, năm 2019
  • Nhà thơ Tố Hữu - Cây bút tài hoa với tác phẩm: ''Hoan hô chiến sĩ Điện Biên'''
  • Đề án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 Góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Điện Biên
  • Huyện Mường Nhé tổ chức Ngày hội đoàn kết các dân tộc lần thứ IV, năm 2019
  • Mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ: Đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Điện Biên
  • Chi bộ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tổ chức sinh hoạt chuyên đề “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
  • Nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên phục vụ khách du lịch dịp Quốc Khánh
  • Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức Cuộc thi "Ảnh đẹp du lịch Sóc Trăng năm 2019”
  • Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị khu vực Tây Bắc Bộ
  • Quảng bá hình ảnh Điện Biên tại Chương trình công chiếu phim tài liệu “Việt Nam - Viên ngọc của Á Châu” tại An-giê-ri
  • Trang: 
  • 971-980 of 996<  ...  91  92  93  94  95  96  97  98  99  100  >