Số liệu thống kê mật độ nhà sàn hiện có, tỷ lệ hộ dân dân tộc Thái ngành Thái trắng còn sinh sống trong nhà sàn truyền thống trên địa bàn thị xã Mường Lay là: 1.192 hộ.
Mường Lay - “Thủ phủ” của người Thái trắng và câu chuyện của những ngôi nhà sàn
Mường Lay là thị xã có diện tích nhỏ nhất cả nước với tổng diện tích tự nhiên là 11.266,56 ha, địa giới hành chính gồm 02 phường và 01 xã, nằm gọn trong một thung lũng hẹp, dài, nơi ngã ba giao cắt của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Nơi đây là địa bàn sinh sống của 09 cộng đồng dân tộc, là thủ phủ, trung tâm văn hóa của dân tộc Thái ngành Thái trắng tỉnh Điện Biên. Hiện nay, dân tộc Thái tại thị xã Mường Lay chiếm tỷ lệ đông nhất gần 70% dân số thị xã. Cộng đồng dân tộc Thái ngành Thái trắng tại thị xã hiện đang lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như: Lễ Then Kin Pang, nghệ thuật xòe Thái, tri thức dân gian nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp; có nhiều đóng góp đối với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh: “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, “Nghệ thuật Xòe Thái”; Lễ hội đua thuyền đuôi én truyền thống hàng năm và nhiều loại hình di sản khác.
Mường Lay là một trong những vùng đất hiếm hoi tại Tây Bắc còn bảo tồn được hệ thống nhà sàn cổ truyền thống với mật độ dày đặc, quy hoạch bài bản nhất Việt Nam lên đến 10,58 nhà/km², cao hơn rất nhiều so với các địa phương có đông người Thái sinh sống như thị xã Mộc Châu, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La hay huyện Phong Thổ, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Đây không chỉ là con số thống kê đơn thuần, mà còn là minh chứng sống động cho nỗ lực gìn giữ di sản của chính quyền và cộng đồng người Thái trắng nơi đây.
Hiện nay, tổng số hộ dân có nhà sàn truyền thống trên địa bàn thị xã là 1.192 hộ/3.198 hộ trên địa bàn, trong đó nhà sàn lợp mái đá đen: 253 hộ, lợp mái tôn 293, lợp mái ngói: 335, mái lợp bằng chất liệu khác: 311 hộ.
Với 1.192 ngôi nhà sàn truyền thống, chủ yếu tập trung ở phường Na Lay và xã Lay Nưa, Mường Lay xứng đáng được xem là “bảo tàng sống” nơi hội tụ, lưu giữ tri thức dân gian về nhà sàn truyền thống trong văn hóa của đồng bào Thái, ngành Thái trắng.
Kết quả mật độ nhà sàn/km2: Huyện Quỳnh Nhai: 1,24 nhà/km2; Thị xã Mộc Châu: 1,6 nhà/km2 (gồm ngành Thái đen và Thái trắng); Huyện Nậm Nhùn: 1,44 nhà/km2; Huyện Phong Thổ: 0,27 nhà/km2; Thị xã Mường Lay: 10,58 nhà/km2.
Nhà sàn người Thái trắng thị xã Mường Lay - chiếc nôi văn hóa và cuộc sống
Nằm bên dòng sông Đà hiền hòa, thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) là nơi sinh sống lâu đời của cộng đồng người Thái trắng - một dân tộc giàu truyền thống văn hóa, với những bản sắc riêng biệt được lưu giữ và truyền nối qua nhiều thế hệ. Trong kho tàng di sản văn hóa ấy, nhà sàn truyền thống không chỉ là nơi ở, mà còn là biểu tượng thiêng liêng, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần và sinh hoạt cộng đồng của người Thái trắng nơi đây. Đó là nơi những chàng trai, cô gái Thái sinh ra, lớn lên, nên duyên vợ chồng và vun đắp cuộc sống. Trong căn nhà ấy, trẻ thơ lớn lên trong tiếng đàn tính, trong những câu chuyện cổ tích ông bà kể bên bếp lửa. Cũng trong không gian ấy, những điệu khắp, điệu xòe rộn ràng vang lên, nuôi dưỡng lòng tự hào và gắn kết cộng đồng.
Không gian bên trong nhà sàn được bố trí khoa học, thể hiện tư duy sống gắn bó với gia đình và cộng đồng. Gian thờ tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất, bên cạnh là khu vực tiếp khách và không gian sinh hoạt chung. Khu bếp lửa - nơi cả gia đình quây quần bên nhau mỗi buổi tối, cũng là nơi gìn giữ những câu chuyện, những lời ru, tiếng hát dân ca Thái đầy chất thơ. Dưới gầm sàn là nơi cất trữ nông cụ, ngô lúa… thể hiện sự linh hoạt và tiết kiệm trong cách sống của người Thái trắng.
Không chỉ là nơi sinh sống, nhà sàn còn là trung tâm của đời sống văn hóa tinh thần. Nơi đây thường xuyên diễn ra các sinh hoạt cộng đồng như lễ mừng nhà mới, lễ cưới hỏi, lễ hội truyền thống, đặc biệt là các điệu múa xòe nổi tiếng, những khúc hát dân ca sâu lắng, tiếng đàn tính, tiếng trống rộn ràng mỗi dịp Tết đến xuân về. Mỗi âm thanh, mỗi bước nhảy trong nhà sàn như hòa quyện vào không gian núi rừng, làm sống dậy cả một thế giới tâm linh và nghệ thuật.
Ngày nay, dù nhịp sống hiện đại đã mang đến nhiều đổi thay, nhưng nhà sàn của người Thái trắng ở Mường Lay vẫn được gìn giữ như một biểu tượng văn hóa sống động, thể hiện sự gắn bó bền chặt giữa con người với thiên nhiên, giữa hiện tại với cội nguồn. Những ngôi nhà sàn ấy không chỉ là nơi ở - mà là nơi lưu giữ linh hồn dân tộc, là trái tim của bản làng, là niềm tự hào và bản sắc không thể phai mờ trong đời sống người Thái trắng vùng cao Tây Bắc.
Những dãy nhà sàn nằm soi mình bên dòng sông Đà
Kiến trúc của bản sắc - tinh thần của đất và người
Kiến trúc nhà sàn truyền thống đã ra đời từ rất lâu, đến hàng trăm năm nay và được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng dân tộc Thái ngành Thái trắng Mường Lay. Để làm nhà sàn, đầu tiên là phải lựa chọn, chuẩn bị nguyên liệu: Gỗ để dựng nhà, làm nhà, ngói hoặc đá đen hoặc tôn để lợp mái nhà. Gỗ sau khi lấy về hoặc mua về phải ngâm dưới nước từ 01 năm trở lên để gỗ được bền chắc, không bị mối mọt. Sau khi ngâm gỗ đã đạt được đến độ thì vớt gỗ lên và phơi cho khô. Sau đó tiến hành đo đạc, đục đẽo cột, làm ván sàn, ván pưng, xà, kèo. Tiếp đó là bước lắp khung cho nhà sàn, sau khi đã lắp khung xong sẽ dựng khung nhà, việc dựng khung nhà đòi hòi phải hết sức cẩn thận, tùy từng loại gỗ và độ to của cột mà cần số lượng người dựng khung nhà: Đối với nhà to, cột to thì số lượng người dựng nhà lên đến 50-70 người, còn nhà sàn bình thường, cũng cần phải có 15-20 người dựng. Sau khi đã dựng xong khung nhà sàn thì tiến hành lắp sàn nhà, thưng, đòn tay, cuối cùng là lợp mái.
Nhà sàn của người thái trắng được làm bằng gỗ, có 02 cầu thang được bố trí ở phía trước và phía sau nhà, cầu thang phía trước sẽ là cầu thang chính đi vào nhà, cầu thang sau là cầu thang phụ và được đặt ở gian gần bếp để đi lên nhà. Số gian nhà nhiều hay ít tùy từng gia đình, nhưng bắt buộc phải là số lẻ. Đồng bào dân tộc Thái quan niệm, con số may mắn phải là số lẻ nên việc dựng nhà cũng phải tuân theo quan niệm ấy; tổng số cửa sổ và cửa chính cũng phải là con số lẻ, số lượng bậc ở mỗi cầu thang cũng là số lẻ. Nhà sàn của người thái trắng có điểm khác biệt với nhà sàn của Thái đen ở chỗ phần mái 02 đầu hồi nhà sẽ làm dạng kết cấu mái vuông phẳng mà không làm dạng khum khum như mai rùa như nhà sàn của người Thái đen.
Kiến trúc Nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thái trắng Mường Lay chứa đựng đậm nét văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc. Là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt, nghi lễ của gia đình, nơi để mọi người trong gia đình nghỉ ngơi, trò chuyện sau những giờ làm việc mệt mỏi. Kiến trúc truyền thống thể hiện tài năng, sự sáng tạo, tri thức về tự nhiên và sự khéo léo của các thế hệ đi trước. Kiến trúc nhà truyền thống đã trở thành niềm tin vững chắc cho các thế hệ ngày nay khi xây dựng nhà bởi những gía trị mà nó đem lại, vừa vững chắc, thông thoáng, an toàn và có tính thẩm mỹ.
Nỗ lực đưa không gian văn hóa đặc trưng đến danh hiệu kỷ lục quốc gia
Với mục tiêu tôn vinh giá trị di sản văn hóa, đồng thời quảng bá hình ảnh địa phương, UBND thị xã Mường Lay đã triển khai xây dựng hồ sơ đề cử xác lập Kỷ lục Việt Nam “Thị xã có mật độ nhà sàn truyền thống của dân tộc thái ngành Thái trắng nhiều nhất Việt Nam”. UBND thị xã Mường Lay đã tiến hành khảo sát, thống kê, thu thập dữ liệu liên quan đến hệ thống nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ngành Thái trắng trên địa bàn thị xã, tiến hành xây dựng hồ sơ kỷ lục theo đúng hướng dẫn, tiêu chí và quy trình của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức công nhận và xác lập kỷ lục “Thị xã có mật độ nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ngành Thái trắng nhiều nhất Việt Nam” cho thị xã Mường Lay. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định giá trị độc đáo, đặc sắc của văn hóa dân tộc Thái trắng tại địa phương và ghi nhận những nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa của cả hệ thống chính trị và nhân dân thị xã.
Tới đây, ngày 08/5/2025, UBND thị xã Mường Lay sẽ tổ chức Lễ công bố Kỷ lục Việt Nam “Thị xã có mật độ nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái ngành Thái trắng nhiều nhất Việt Nam”.