Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Nghề rèn của người Mông, tỉnh Điện Biên trở thành di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
  • Thời gian đăng: 04/06/2023 10:02:23 PM
  • Ngày 01/6/2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1406/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Theo đó, Nghề thủ công truyền thống Nghề rèn của Người Mông, tỉnh Điện Biên đã vinh dự có tên trong danh mục.
  • 1-nghe4DC0D41.jpg

    Đồng bào Mông giới thiệu nghề rèn tại không gian Chợ phiên vùng cao đón chào năm mới 2019 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam . Ảnh: Thanh Hà

    Đồng bào người Mông có nhiều nghề truyền thống mang nét văn hóa độc đáo đặc trưng cho dân tộc như nghề chế tác nhạc cụ, nghề nhuộm chàm, thêu dệt thổ cẩm, nghề đan lát các dụng cụ sinh hoạt. Trong đó, phải kể đến nghề rèn thủ công truyền thống.

    Nghề rèn của ngườiMông có từ lâu đời. Trước kia, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Các sản phẩm được tạo ra hoàn toàn bằng thủ công, không có sự can thiệp của máy móc. Và điều nổi bật nhất là các sản phẩm này nổi tiếng bởi độ bền, độ tinh xảo với bí quyết riêng đã được rất nhiều người biết đến với những sản phẩm như con dao, chiếc xẻng, lưỡi cày hay chiếc cuốc.

    Những nghệ nhân rèn người dân tộc Mông thường được sinh ra trong những gia đình có nghề rèn truyền thống. Ở những gia đình như thế, từ lâu lắm rồi, người con theo cha vào rừng tìm cây gỗ cho than tốt để rèn. Khi sản phẩm định hình, người cha chỉ cho con biết lúc nào có thể tôi để con dao cứng mà không giòn, dẻo dai mà sắc lẹm.

    Nghề rèn của người Mông thể hiện sự tài hoa, sáng tạo, với những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa. Bí quyết để làm ra những con dao, lưỡi cuốc, lưỡi cày sắc ngọt và có độ bền cao, đầu tiên phải lựa chọn được loại thép tốt. Loại thép thường được người Mông sử dụng đó là nhíp ô tô, nhất là nhíp của ô tô sản xuất cách đây vài chục năm. Bên cạnh đó, kỹ thuật tôi thép cũng rất quan trọng, thép nung phải đủ độ nóng, không non quá cũng không được quá già lửa. Kỹ thuật này quyết định độ bền của sản phẩm.

    Than đốt lò của người Mông cũng rất đặc biệt. Người Mông không dùng than đá mà dùng than củi của cây rừng. Trong khi rèn nhiệt độ lò rèn phải nóng đều mới cho ra sản phẩm tốt nên yêu cầu người quay lò phải đều tay.

    IMG_0198.jpg

    Công đoạn rèn dao 

    Lò rèn của người Mông không cầu kỳ, chỉ có một ụ đất làm lò, vài cục sắt to làm đe và một cái bễ. Cái bễ là quan trong nhất. Nó cấu tạo như một cái bơm xe đạp khổng lồ nằm ngang. Cái bơm ấy được khoét ra từ thân cây đường kính khoảng 50cm. Pít tông là một miếng gỗ tròn như cái thớt được gắn lông gà xung quanh để dễ dàng tịnh tiến trong lòng cây gỗ, người thợ đẩy pít tông, rất nhẹ nhàng và không tốn sức. Ngày trước, 100% công đoạn đều thủ công nhưng ngày nay một số công đoạn làm rèn, người Mông đã sử dụng quạt điện thổi lò, máy mài.

    Tuy nhiên các công đoạn quan trọng nhất từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, tay cầm… vẫn làm bằng tay. Vì vậy, đồ rèn của người Mông làm ra có độ tinh xảo riêng, sắc bén và bền lâu với thời gian. Bên canh đó, Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự khéo léo, cũng như sự kiên trì và sáng tạo mới có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc Mông.

    Nghề rèn của đồng bào Mông không chỉ tạo ra những nông cụ thiết thực trong đời sống mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc mình. 

  • Tác giả: Mai Hoa, ảnh sưu tầm