Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ: Đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Điện Biên
  • Thời gian đăng: 04/09/2019 09:06:26 AM
  • Cảng hàng không Điện Biên Phủ là cảng nội địa, cấp 3C, gồm một đường băng dài 1.830m được đưa vào sử dụng từ năm 1994. Nhà ga hành khách hiện tại cũng được xây dựng từ năm 2004. Do Cảng hàng không nằm trong khu vực lòng chảo, tĩnh không 2 đầu đường cất hạ cánh hạn chế nên hiện nay không thể khai thác các loại tàu bay lớn như A320, A321 và tương đương.

    Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch chi tiết đầu tư dự án nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ. Theo đó, dự kiến dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2020, đến năm 2022 sẽ hoàn thành đồng bộ cả khu bay, khu hàng không dân dụng cũng như các công trình liên quan đến quản lý điều hành bay. Giai đoạn đến năm 2030, sẽ nghiên cứu xây mới nhà ga hành khách công suất 2 triệu khách/năm, với 6 vị trí đỗ tàu bay. Đây thực sự là đòn bẩy quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội và hoạt động du lịch tỉnh Điện Biên trong thời gian tới.

    1.jpg

    Ảnh đón khách du lịch bằng đường hàng không

    Hiện nay, một trong những hạn chế trong phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đó là vấn đề di chuyển. Theo số liệu thống kê, năm 2018 có 705.000 lượt khách du lịch đến Điện Biên, trong đó, lượng khách đi bằng đường hàng không đạt  23.500 lượt (chiếm 3,3%). Di chuyển bằng đường hàng không hiện nay có nhiều bất lợi: Giá vé cao làm tăng giá tour, giảm tính cạnh tranh so với các điểm khác; nhiều rủi ro vỡ tour do tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến diễn ra khá thường xuyên trong mùa mưa; chỉ có một đường bay duy nhất Hà Nội-Điện Biên và ngược lại. Hình thức di chuyển bằng đường bộ cũng nhiều bất lợi về mặt thời gian. Lấy Hà Nội là trung tâm, thời gian di chuyển trung bình 10 tiếng để di chuyển đến Điện Biên.

    Cảng hàng không Điện Biên Phủ mới được hoàn thành và đưa vào hoạt động cho phép sử dụng các loại tàu bay thân rộng như  A320, A321 và tương đương khắc phục được những bất lợi về mặt di chuyển của du khách, tăng khả năng phục vụ lên hai triệu lượt hành khách/năm và 10 nghìn tấn hàng hóa (dự kiến đến năm 2030). Khi đó, việc cất và hạ cánh sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa hình và thời tiết như hiện nay đồng thời giá vé sẽ có tính cạnh tranh hơn. Do đó, cho phép và tăng khả năng kết nối giữa Điện Biên với các thị trường du lịch trọng điểm như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Luông Pha Băng (CHDCND Lào), Chiềng Mai (Thái Lan), tăng khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của du lịch Điện Biên, thu hút khách du lịch đến Điện Biên bằng đường hàng không.

    Bên cạnh đó, việc mở rộng cảng hàng không cũng góp phần mạnh mẽ vào thu hút đầu tư  xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng có quy mô lớn, chất lượng, đẳng cấp và hiện đại. Các khu du lịch cao cấp, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm cao cấp được đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại, chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, dịch vụ chuyên nghiệp. Tính cạnh tranh thúc đẩy các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Điện Biên.

    Đồng thời, việc kết nối đường bay thẳng với các tỉnh, vùng miền trong cả nước và quốc tế cũng có tác động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

  • Tác giả: Vũ Thanh