Chiều 02/10/2022 tại thành phố Điện Biên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam (Tổng cục Du lịch); UBND tỉnh Điện Biên; Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào (Cục Phát triển Du lịch) phối hợp tổ chức Hội thảo liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào trong khuôn khổ Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 3 tổ chức tại Thành phố Điện Biên Phủ.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo về phía nước bạn Lào có đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch. Cục phát triển Du lịch, Lãnh đạo các tỉnh Louangphabang, Huaphanh, Attapeu, Sekong, Xiengkhuang, Bolikhamsai, Khammuane, Savannakhet, Saravane, Phongsaly và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Lào.
Về phía Việt Nam có Đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng, Tổng cục Du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Hiệp hội du lịch Việt Nam. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch các địa phương Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Các chuyên gia, diễn giải trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Điện Biên và các tỉnh, thành phố khác.
10 địa phương của Việt Nam có đường biên giới với 10 tỉnh của Lào có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, các di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới dày đặc như: Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Di sản Thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, Hệ thống di tích lịch sử các mạng ở Quảng Trị. Quần thể di tích kiến trúc kinh thành Huế, Di sản thế giới Phố cổ Hội An, Đền Tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyễn Cù Lao Chàm,… và 10 tỉnh phía nước bạn Lào có chung tuyến biên giới với nước ta gồm: Louangphabang, Huaphanh, Attapeu, Sekong, Xiengkhuang, Bolikhamsai, Khammuane, Savannakhet, Saravane và Phongsaly cũng có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, trong đó có 2 di sản Thế giới… Các địa phương của cả hai nước đều có nhiều dân tộc và sinh sống, đây chính là giá trị về văn hóa bản địa đa dạng mà khách du lịch sẽ có nhiều cơ hội để được trải nghiệm và khám phá.
Những năm qua, nhiều hoạt động hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ song phương và đa phương đã được triển khai và đạt được những kết quả nhất định, thu hút sự tham gia của các địa phương, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch hai nước. Việt Nam tiếp tục là điểm đến truyền thống với khách du lịch Lào và Lào là một trong những điểm đến du lịch được nhiều người Việt Nam lựa chọn. Với những nỗ lực hợp tác từ cả hai phía, trao đổi khách du lịch hai nước năm 2019 (trước thời điểm đại dịch Covid-19) đã đạt trên 1,2 triệu lượt, trong đó khách Lào sang Việt Nam đạt hơn 98.000 lượt; khách Việt Nam sang Lào đạt 924.875 lượt. Việt Nam đứng thứ ba về gửi khách đến Lào. Kể từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn ra đã gây những khó khăn chưa từng có trong giao lưu, hợp tác văn hóa và du lịch quốc tế nhưng không thể cản trở nỗ lực khôi phục du lịch của chúng ta. Sau thời gian dài gần 2 năm đóng cửa, Việt Nam và Lào đã mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế vào tất cả các cửa khẩu đường không, đường bộ (Việt Nam từ ngày 15/3/2022, Lào từ ngày 9/5/2022). Sau khi hai nước mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón gần 46,5 nghìn lượt khách Lào; khách Việt Nam đi du lịch Lào đạt gần 49,2 lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Lào, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Lào.
Trong 20 tỉnh của hai nước có nhiều điểm tương đồng về nhiều mặt và với những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp của cả hai nước. Trong tương lai du lịch của các địa phương có đường biên giới giáp nhau giữa hai nước sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa.