Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Đối thoại chính sách: Những hình dung về ngành du lịch Việt Nam hậu Covid-19
  • Thời gian đăng: 07/02/2022 02:25:03 PM
  • Du lịch thời kỳ hậu Covid-19 với sự kiệt quệ của rất nhiều doanh nghiệp lữ hành sẽ như thế nào? Con người đã test Covid-19 và Covid-19 cũng đang test ngành du lịch Việt Nam. Cùng các khách mời của Truyền hình Quốc hội Việt Nam thảo luận về những thay đổi của ngành du lịch hậu Covid-19.
  • Sau đúng 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch của Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi rất đáng mừng. Trong ngày đầu năm mới 2022, TP Hồ Chí Minh đã đón khoảng 200 du khách nội địa tới xông đất. Dù đây là con số rất nhỏ so với trước đây nhưng nó mang đến nhiều hy vọng để du lịch phục hồi.

    Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) trong 3 ngày đầu năm cũng có khoảng 60.000 du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có khoảng 1.000 khách quốc tế đi du lịch theo chương trình “hộ chiếu vaccine”. Nha Trang, Đà Lạt cũng đã đón hàng chục nghìn du khách trong nước. Còn Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh), chỉ tính riêng trong ngày đầu năm 2022 đã đón gần 1.600 lượt khách thăm quan, lưu trú và trải nghiệm thủy phi cơ.

    Tại Lào Cai, hoạt động du lịch cũng sôi động trở lại khi lượng khách nội địa đã tăng nhanh trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, từ 1 đến 3/1/2022, công suất bình quân phòng nghỉ ước đạt khoảng 40%. Tổng lượt khách đến Lào Cai trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022 ước đạt trên 30.000 lượt. Mặc dù chưa năm nào trong dịp Tết Dương lịch, du lịch Việt Nam lại đón lượng khách ít như năm nay, nhưng theo các doanh nghiệp lữ hành, đây vẫn  là một khởi đầu tốt sau một thời gian dài phải đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19.

    Năm 2021 và những ngày đầu năm mới 2022, dù đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài, gây nhiều ảnh hưởng nhưng ngành du lịch Việt Nam đã có những bước đi linh hoạt, thích ứng nhanh với trạng thái “bình thường mới”. Những tín hiệu khởi sắc cùng lộ trình cụ thể mang đến nhiều hy vọng cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để cùng nhìn nhận về bức tranh du lịch năm 2022, trong chương trình đối thoại chính sách, chúng tôi đã mời tới trường quay ba vị khách mời, xin được trân trọng giới thiệu: Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Ánh Trăng - Công ty đang ấp ủ nhiều dự án với những sản phẩm du lịch mới nhằm thích ứng bối cảnh bình thường mới.

    Năm 2021 - “Một năm đáng buồn” của ngành du lịch đã khép lại với nhiều cơn địa chấn từ những đợt dịch COVID-19 liên tục bùng phát. Mặc dù nền kinh tế xanh Việt Nam năm 2021 chưa thể khởi sắc qua các con số tổng kết năm, nhưng các chuyên gia vẫn kỳ vọng vào tương lai 2022 sẽ bứt phá cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ. Chúng ta có quyền hy vọng, bởi dịch bệnh tuy vẫn lây lan với biến chủng mới nhưng độ phủ sóng vaccine ngày càng rộng đã góp phần làm suy yếu sức tàn phá của visus SARS-CoV-2. Thế giới đang dần tiến gần hơn đến ngày khống chế và đẩy lùi đại dịch, mở ra cơ hội để phục hồi nền kinh tế xã hội, trong đó có ngành du lịch.

    Có thể thấy, du lịch vốn là ngành Kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, chính vì vậy phục hồi ngành du lịch cũng là một trong những vấn đề được Quốc hội rất quan tâm. Điều đó thể hiện bằng những hành động hết sức cụ thể. Đơn cử như Ngày 25/12/2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề: “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”. Hội thảo này đã cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch COVID-19; cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch, gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong thời gian tới. 

    Ngoài Hội nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, tại Kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch. Quốc hội cũng chính thức bố trí ngân sách để đầu tư cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ chuyển đổi số; giúp thực hiện tốt các chương trình xúc tiến thương mại về lĩnh vực du lịch và hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Ngay sau khi triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa, dến nay, ngành du lịch đã thí điểm đón khách quốc tế trở lại ở một số địa phương và hệ số an toàn cao nhất đối với du khách. Hiện tại, nước ta mới đang trong giai đoạn “thí điểm”, số lượng khách quốc tế chưa nhiều. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều vấn đề cần xem xét, nhiều rào cản cần được gỡ bỏ.

    Bức tranh phác họa về ảnh hưởng của cơn bão dịch COVID-19 đối với ngành Du lịch trong 2 năm qua mặc dù khá ảm đạm, song qua buổi đối thoại, có thể thấy "du lịch là ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên nhưng cũng sẽ là ngành có sức phục hồi mạnh mẽ nhất", điều này không phải là không có căn cứ, bởi trong khó khăn những mạch nguồn phát triển vẫn được ngành Du lịch, các doanh nghiệp lặng lẽ bồi đắp, chờ cơ hội phục hồi, vươn lên. Hy vọng rằng với sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, của những người tâm huyết với nghề, ngành công nghiệp không khói của chúng ta, sớm tìm được hướng đi mới trong bối cảnh bình thường mới.

    Để nhìn nhận rõ hơn về bức tranh du lịch năm 2022, kính mời quý vị và các bạn đón xem chương trình trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và website quochoitv.vn./.  

    https://quochoitv.vn/doi-thoai-chinh-sach-nhung-hinh-dung-ve-nganh-du-lich-viet-nam-hau-covid-19

  • Tác giả: Nguồn quochoitv.vn