68 năm qua, trong tiềm thức mọi thế hệ người Việt Nam, Điện Biên Phủ luôn là “điểm đến” thân thiện với một sức hút nội tâm diệu kỳ và mãnh liệt. Cách Thủ đô Hà Nội hơn 500 km, tỉnh Điện Biên được lịch sử ưu ái “tặng riêng” cho quần thể di tích Điện Biên Phủ, gắn với một võ công oai hùng của dân tộc “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là nguồn tài nguyên du lịch lịch sử, kết hợp với du lịch sinh thái, tâm linh, bản sắc văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng.
Theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, chiến trường xưa và nay là quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt. Quả thực, đó là sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của du lịch Điện Biên. Điển hình như Nghĩa trang liệt sỹ A1 với 644 ngôi mộ; trong đó 52 ngôi mộ có tên và 592 ngôi mộ khuyết danh. Đây là 1 trong 3 Nghĩa trang liệt sỹ của trận Điện Biên Phủ “máu trộn bùn non”. Hay như Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ - nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật của chiến dịch, liên quan đến cả hai phía tham chiến. Để giúp các thế hệ sau dễ hình dung ra quy mô cuộc chiến, Đảng và Chính phủ đã đầu tư kinh phí để xây dựng “bức tranh tròn Panorama” với quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Bức tranh được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu, hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m; tổng diện tích tới 3.225m². Với 4 trường đoạn lịch sử gồm: “Toàn dân ra trận” - “Khúc dạo đầu hùng tráng” - “Cuộc đối đầu lịch sử” và cuối cùng là trường đoạn “Chiến thắng Điện Biên” thể hiện từng đoàn tù binh Pháp và điểm nhấn là lá cờ đỏ sao vàng “Quyết chiến Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát. Đây là một trong những địa điểm mỗi du khách đến với Điện Biên điều không thể không ghé qua. Mặc dù bức tranh panorama – Trận chiến Điện Biên Phủ vẫn chưa hoàn thiện tất cả các hạng mục để bàn giao đưa vào phục vụ du khách, nhưng thông qua các phương tiện truyền thông, có rất nhiều du khách quan tâm, mong muốn được tận mắt chiêm ngưỡng bức panorama.
Trường đoạn Toàn dân ra trận trong bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ
Bà Vũ Thị Tuyết Nga - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết: Tuy bức tranh panorama chưa hoàn thiện, bàn giao đưa vào phục vụ du khách, nhưng nguyện vọng của du khách được chiêm ngưỡng tác phẩm, đơn vị đã mở cửa cho du khách đến tham quan trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ tiếp tục mở cửa để phục vụ du khách tham quan từ nay đến dịp 7/5 - Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Từ trung tâm TP. Điện Biên Phủ đi qua cầu Mường Thanh lịch sử là hầm tướng Đờ Cát, nơi ghi lại một thời khắc không thể quên: 17 giờ 30 ngày 7/5/1954! 68 năm trước, vào buổi chiều ngày 7/5/1954, dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, những bàn chân vệ quốc của đại đội 360, tiểu đoàn 130, trung đoàn 209, đại đoàn 312 đã dũng mãnh băng qua cây cầu sắt Mường Thanh. Đó là thời khắc lịch sử thiêng liêng không bao giờ lặp lại của dân tộc Việt Nam.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đặt trên đồi D1, được khánh thành vào sáng 30/4/2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là tác phẩm mà nguyên mẫu của nó từng được trưng bày mấy chục năm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từng giành 3 giải thưởng quốc gia, tác giả là nhà điêu khắc Nguyễn Hải. Cùng với Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Cụm tượng đài Chiến thắng Mường Phăng… là những công trình văn hóa - nghệ thuật kiến trúc bề thế. Mỗi tượng đài là một bài ca không lời cất lên từ lòng đất, mà giai điệu chính được chắt lọc ra từ máu và nước mắt, từ đau thương và mất mát, từ những hy sinh vô bờ bến của biết bao con người, là biểu tượng của ý chí, lòng quyết tâm là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Điện Biên trong hòa bình, mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa nhân văn, mà ở đó toát lên sự linh thiêng, khí phách của một dân tộc anh hùng…
Đặc biệt, vào thời điểm tháng 3 khi không khí ấm áp của mùa xuân tràn về thì cũng là lúc Điện Biên như bừng lên sức sống mãnh liệt bởi sắc hoa Ban. Hàng nghìn đời nay, hoa Ban đã rất tự nhiên đi vào đời sống. Việc tổ chức Lễ hội Hoa Ban góp phần thực hiện chiến lược phát triển du lịch và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, có sức hút mạnh mẽ, hấp dẫn tới bạn bè, du khách lên thăm Điện Biên vào mỗi mùa hoa Ban nở...
Đến với Điện Biên hôm nay là đến với một thành phố trẻ đang trên đà phát triển và đổi mới, là ta đến với một địa danh, địa chỉ du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử nổi tiếng, một điểm đến đặc sắc, hấp dẫn, thân thiện ở vùng cao Tây Bắc. Cùng với cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc, với nhiều hoạt động phong phú, khám phá nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của vùng đất biên cương của Tổ quốc, để được hòa mình trong không gian lịch sử hào hùng của dân tộc, được hưởng không khí trong lành, cảnh quan tươi đẹp, hùng vĩ của đất Mường trời trong sự thân thiện, trọng thị, hiếu khách của đồng bào các dân tộc nơi đây./.