UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định Công nhận và cấp Bằng Công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh
Theo đó, 04 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được cấp Bằng công nhận bao gồm: Làng nghề bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp bản Bắc II, xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay); nghề dệt thổ cẩm bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên); nghề thêu chân váy, áo trang phục dân tộc Mông bản Púng Pá Kha, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ); nghề mây tre đan bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu (thành phố Điện Biên Phủ). Cả cả 4 nghề, làng nghề truyền thống đều đáp ứng đủ các tiêu chí như nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận; nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
Nghề truyền thống Dệt thổ cẩm bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên.
Gần 100 năm qua từ khi lập bản, người dân tộc Lào nơi đây vẫn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bước chân vào bản Pa Xa Lào, dễ dàng bắt gặp các mẹ các chị đang cặm cụi bên khung dệt tạo nên các mẫu họa tiết hoa văn bắt mắt như con con công, con rồng cổ đỏ, con hươu, hình tam giác,...kết hợp với những màu sắc sặc sỡ như trắng, hồng, vàng, tím, xanh được nhuộm bằng chàm, lá cây rừng. Bản có 56 hộ dân, gần như nhà nào cũng sở hữu một khung cửi để dệt thổ cẩm.
Phụ nữ bản Pa Xa Lào bảo tồn nghề dệt truyền thống
Nghề truyền thống Thêu chân váy, áo trang phục dân tộc Mông bản Púng Pá Kha, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ.
Theo quan niệm của người Mông, một người phụ nữ xem là đẹp trước hết phải là người khéo tay thêu thùa, dệt vải, may vá. Với đôi tay khéo léo, tài hoa của người phụ nữ bản Púng Pá Kha nhiều hoa văn truyền thống của trang phục đồng bào dân tộc Mông được phục dựng, gìn giữ cho thế hệ sau. Những trang phục truyền thống không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn tạo nên những sản phẩm du lịch, món quà ý nghĩa cho du khách trong hành trình khám phá nơi đây.
Nghề truyền thống Mây tre đan bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ.
Nghề mây tre đan Nà Tấu vốn đã có từ lâu đời và được người dân tộc Thái địa phương bảo tồn và phát huy. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã sản xuất trên 3000 sản phẩm các loại với mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt từ mây, tre, song tự nhiên cung cấp cho thị trường.
Làng nghề Bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp bản Bắc II, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay.
Khẩu Xén là loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, được chế biến từ gạo nếp nương, nếp cẩm và củ sắn tươi được lấy từ chính ruộng nương của xã Lay Nưa. Miếng bánh Khẩu Xén được cắt theo hình bình hành khi rán lên sẽ nở phồng, cho vào miệng, miếng bánh giòn tan thơm đậm đà hương vị của gạo nếp, sắn tươi. Bánh Chí Chọp cũng được làm từ gạo nếp ngon nhất dẻo nhất vùng. Sau khi đồ thành xôi để nguội, cán mỏng, phơi khô sau đó có thể rán rồi sử dụng. Khấu Xén và Chí Chọp giờ đây không chỉ là món ăn trong những ngày lễ Tết mà đã trở thành hàng hóa bán trên thị trường góp phần tạo thêm nhiều việc làm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây.
Chị em phụ nữ bản Bắc chế biến Khẩu Xén