Sự kiện Năm Du lịch quốc gia và Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành “thỏi nam châm” hút khách du lịch đến Điện Biên.
“Cú hích” năm du lịch quốc gia
Chuỗi hoạt động, sự kiện thuộc Chương trình Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 như “thỏi nam châm” hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến với mảnh đất lịch sử. Dự ước 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt 1.368,6 nghìn lượt (đạt 105% so với kế hoạch, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó khách quốc tế 6.843 lượt (tăng 1,41 lần). Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.474,1 tỷ đồng (đạt 112% kế hoạch, tăng 2,25 lần). Riêng từ ngày 1/1/2024 - 7/5/2024, tỉnh ta đón 1.056,6 nghìn lượt khách du lịch, trong đó 4,8 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 1.896,9 tỷ đồng. Trong dịp nghỉ lễ từ ngày 30/4 – 1/5 và dịp 7/5, tỉnh đón 371.000 lượt khách du lịch, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 390,3 tỷ đồng.
Chuỗi các chương trình, sự kiện trong Năm Du lịch quốc gia đã góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế.
Với trị trí nằm ở cửa ngõ của vùng Tây Bắc kết nối với các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc; sân bay Điện Biên hiện đang khai thác đường bay Hà Nội - Điện Biên Phủ, TP. Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ. Đây là cơ hội rất lớn để Điện Biên đẩy mạnh du lịch, thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng thành điểm trung chuyển chính trên tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào - Đông Bắc Thái Lan - Tây Nam Trung Quốc. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Điện Biên để khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, lĩnh vực du lịch có sức hút rất lớn, mở ra nhiều cơ hội để ngành du lịch phát triển.
Đoàn Famtrip khảo sát sản phẩm du lịch tại tỉnh Điện Biên
Gần đây, Điện Biên đã liên kết với nhiều đơn vị lữ hành, xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang tính liên kết vùng như: Caravan (du lịch tự lái xe) tuyến Hà Nội - Sơn La - Điện Biên; tour du lịch về mùa hoa ban... Theo ghi nhận từ các công ty du lịch, không phải đến bây giờ các tour du lịch lên Điện Biên mới được khai thác, song năm nay lượng khách đăng ký đến Điện Biên, đặc biệt là TP. Điện Biên Phủ tăng vọt so với mọi năm.
Chị Vũ Thị Vân, Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Hà Nội cho biết: “Điện Biên không phải là một vùng đất mới song là vùng đất mà mỗi người dân Việt Nam đều mong muốn được ghé qua dù chỉ một lần. Việc liên kết, mở mới tuor du lịch đến với mảnh đất lịch sử này của Công ty sẽ trở thành điểm nhấn ý nghĩa trong hành trình khám phá của du khách trên mọi miền Tổ quốc”.
Chiến lược để bứt phá
Thực tế, du lịch Điện Biên chưa thực sự phát huy được giá trị, trở thành điểm đến trong cả 4 mùa. Mùa du lịch của Điện Biên chủ yếu được xác định từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 5 hàng năm. Khách lên Điện Biên đông về số lượng song thời gian lưu trú ngắn, phân khúc khách cao cấp hạn chế so với khu vực. Ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn của Điện Biên vẫn còn nhiều thách thức.
Khách du lịch đến Điện Biên nhìn chung chi tiêu ít, phân khúc cao cấp còn hạn chế so với khu vực.
Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 7/5/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Lấy du lịch là kinh tế mũi nhọn để phát triển. Trong đó, tỉnh xác định: “Phát triển du lịch là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch…”
Theo ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì Điện Biên còn rất nhiều việc phải làm. Trước mắt, tập trung củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao nguồn nhân lực và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. Sở đang triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. Trên cơ sở quy hoạch đó, tiếp tục mời gọi, tập trung nguồn lực bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị để di tích được làm mới, sinh động, truyền tải rộng hơn thông điệp của Chiến thắng Điện Biên Phủ đến du khách.
Để hiện thực hóa, phải quyết tâm phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xúc tiến, quảng bá, tạo ra sản phẩm du lịch mới. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực; tăng cường liên kết hợp tác trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, đồng bộ các loại dịch vụ, du lịch từ bình dân đến cao cấp phục vụ du khách trong nước và quốc tế, tạo nguồn thu ổn định.
Du khách tham quan di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu: Lượng khách du lịch năm 2025 đạt trên 1,45 triệu lượt, trong đó có 300.000 lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân là 15%/năm; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 2.380 tỷ đồng; số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đạt 3 ngày. Đến năm 2030, đạt trên 2,65 triệu lượt khách, trong đó 600.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu đạt trên 5.000 tỷ đồng; số ngày lưu trú đạt 3,5 ngày. Năm 2050, đón trên 7 triệu lượt khách, có trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu đạt 50.000 tỷ đồng, đóng góp trên 15% GRDP bình quân của tỉnh; tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho trên 155.000 lao động…
Thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Điện Biên tập trung thu hút đầu tư vào một số dự án mang tính chất đột phá về phát triển du lịch như: Dự án phát triển Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ thành một trong những khu du lịch trải nghiệm văn hóa lịch sử hấp dẫn nhất Việt Nam và đạt tầm cỡ quốc tế; dự án Khu Du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang với định hướng phát triển thành điểm đến du lịch hấp dẫn, khai thác tiềm năng sinh thái, cảnh quan, văn hóa cộng đồng và lịch sử; dự án Khu Du lịch quốc tế Việt - Lào - Trung (khu vực ngã ba biên giới A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) với định hướng khai thác sự độc đáo của thương hiệu “cột mốc 3 biên giới”; dự án Khu Du lịch suối khoáng nóng Uva - hồ Hồng Sạt với các sản phẩm như Onsen kiểu Thái Lan, sân golf, khách sạn kiểu Thái, đền thủy tổ dân tộc Thái, nông nghiệp bền vững...
Chiến lược lâu dài, tỉnh Điện Biên sẽ tập trung thu hút đầu tư vào một số dự án mang tính chất đột phá để phát triển du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, vùng đất, con người Điện Biên trên các phương tiện truyền thông, trên nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ trùng tu, tôn tạo các công trình, điểm di tích trên địa bàn tỉnh, sớm đưa vào phục vụ khách tham quan. Kỳ vọng trong tương lai không xa, không chỉ riêng với Năm Du lịch quốc gia hay mùa du lịch, Điện Biên luôn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.