• Sự đổi thay trên mảnh đất Noong Nhai
  • Thời gian đăng: 23/12/2019 08:21:33 AM
  • Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 6 km theo hướng quốc lộ 279 đi cửa khẩu quốc tế Tây Trang, bản Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất lịch sử. Chính nơi đây, 65 năm về trước, hàng trăm người dân vô tội đã vĩnh viễn ra đi trong vụ thảm sát đẫm máu của bom Napan mà giặc Pháp điên cuồng cho máy bay ném xuống. Năm tháng qua đi, cuộc sống mới đã hình thành trên mảnh đất đau thương này.

    nong-nhai-2.jpg

    Bia tưởng niệm Noong Nhai 

    Năm 1953, Quân đội Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, họ đã dồn nhân dân địa phương vào 4 trại tập trung. Trại tập trung Nong nhai gồm các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống. Các trại tập trung này quân Pháp lập nên nhằm âm mưu cách ly người dân với bộ đội; làm bia đỡ đạn nếu bộ đội ta đánh Điện Biên Phủ. Đồng thời, các nạn nhân trong trại tập trung còn là lực lượng khổ sai làm việc không công như cào nhà, phá bản, chặt cây, xây dựng hầm hào, đồn bốt. Trên một vùng diện tích chưa đầy 10ha, nhưng trại tập trung Noong Nhai có tới hơn 3.000 dân sinh sống.

    Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt tấn công thứ 2, quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rơi vào tình thế bị bao vây, đứng trên bờ vực bị tiêu diệt. Khoảng 14 giờ ngày 25/4/1954 quân Pháp đã cho 4 máy bay Đacôta xuất phát từ hướng nam bay thẳng tới trại tập trung Noong Nhai điên cuồng dội bom sát thương, bom Napan vào đám đông dân chúng khi họ đang có mặt để chôn cất một người thân trong bản. Trong vụ thảm sát này, 444 người đã bị sát hại chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em.

    Ngày nay, khu tưởng niệm những người dân vô tội bị chết bởi bom đạn của quân Pháp năm nào đã được xây dựng bên quốc lộ 279 thuộc địa phận xã Thanh Xương. Nổi bật ở khu tưởng niệm là bức tượng người phụ nữ Thái bế đứa con nhỏ bị trúng bom Napan chết trên tay, thể hiện nỗi đau đớn đến tột cùng. Ngày nay đến với Noong Nhai, ít ai có thể hình dung được mảnh đất này trước kia là hầm hào chiến địa, là khu quân sự, là đường cầu hàng không vận tải phân khu nam Hồng Cúm mà quân Pháp đã dựng lên.

    nong-nhai-1.jpg

    Du khách vào tham quan Đài tưởng niệm Noong Nhai

    Hơn nửa thập kỷ qua đi, khoảng thời gian ấy đã đủ để phai mờ nỗi đau, người dân ở mảnh đất nghèo Noong Nhai hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển nền kinh tế mới, vươn lên làm giàu. Noong Nhai nay đã đổi thay, bộ mặt nông thôn mới đã khởi sắc trên mọi ngả đường trong bản. Nơi đây, hiện đang lưu giữ những giá trị văn hóa, phong tục bản địa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Thái và trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước.

  • Tác giả: Ngọc Linh
  • Nguồn tin: ảnh Sưu tầm