• Di tích Kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Luân
  • Thời gian đăng: 16/01/2022 03:49:29 PM
  • Thuộc địa phận bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tháp Mường Luân là công trình kiến trúc mang nét văn hóa, tôn giáo của dân tộc Lào tại Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.
  • Tháp Mường Luân hay còn gọi là “Thát” được xây dựng từ thế kỷ XV “do các dân tộc Việt và Lào xây dựng trong nhiều năm, thể hiện sự đùm bọc, gắn bó đoàn kết, chia sẻ khó khắn thời binh đao loạn lạc của hai dân tộc.

     Tháp được xây dựng bằng nguyên liệu gạch, vôi, vữa, cát và mật mía. Gạch để xây tháp gồm 2 loại, gạch vồ và gạch chỉ, xây dựng theo hình bút tháp thân vuông, dưới to lên trên nhỏ dần, tháp có tổng chiều cao là 15m, được bố cục chia làm 3 phần chính: Chân tháp hình vuông vững chãi cao 1m (không trang trí hoa văn), phía ngoài cùng để hành lang rộng du khách có thể đi lại quanh tháp. Thân tháp xây hình ống vuông, xây đặc phần dưới to, lên trên nhỏ dần (toàn bộ kiến trúc của tháp cũng như trang trí hoa văn nổi bật nhất của tháp được thể hiện ở phần này). Ngọn tháp được chia làm hai phần không trang trí hoa văn, ở giữa phình to, hai đầu thóp lại giống hình quả trám, giữa hai phần của ngọn tháp và trên cùng của ngọn tháp cũng được thể hiện trang trí hoa văn họa tiết như phần trên của thân tháp nhưng được thu nhỏ để tạo vẻ thanh thoát, mềm mại cho toàn bộ bố cục của tháp.

    Tháp được xây dựng dựa theo truyền thuyết một trái núi mang dáng dấp một người ngồi thiền “Hua tang Kep, eo tang Lào” dịch nghĩa là “Đầu quay về Việt, lung quay sang Lào”.

    Tháp Mường Luân ngoài ý nghĩa lịch sử còn chứa đựng những giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

    Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Luân được Bộ Văn hóa, Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp Quốc gia năm 1981.

    du-kh-ch-ch-p-h-nh.jpg

  • Tác giả: Ảnh: Mai Hoa