• “Khau Cút” - nét văn hoá, tâm linh trong tín ngưỡng người Thái Tây Bắc
  • Thời gian đăng: 03/10/2019 03:01:59 PM
  • 1.jpgHình ảnh nhà sàn dân tộc Thái

    “Khau Cút” là một biểu tượng trang trí trên nóc nhà sàn, dùng để chắn gió cho mái tranh hai đầu hồi của nhà người Thái Đen Tây Bắc. Khau cút gồm hai thanh gỗ bắt chéo nhau hình chữ X.

    Trong nền văn hoá vật thể của dân tộc Thái Tây Bắc, ngôi nhà sàn chiếm vị trí quan trọng nhất. Nó quan trọng không chỉ ở giá trị vật chất đo đếm được bằng khái niệm định lượng, mà còn ở phạm trù tâm linh - tín ngưỡng. Trong đó, Khau Cút trên các chái nhà, từng là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian...

                                                      KC1.jpg kc2.jpg

    Một số hình ảnh về Khau Cút

    Chuyện kể rằng xưa kia có chàng trai dân tộc Thái tên Bả Khéo có công mở đất Mường Vạt lấy vợ người Kinh và rất được yêu mến, hằng năm vua Kinh lên thăm hai vợ chồng và để đánh dấu ngôi nhà của chàng Khéo khỏi lẫn với nhà người khác, vua đã đúc hai thỏi bạc bắt chéo nhau và buộc ở hai đầu hồi. Và từ đó con cháu chàng Khéo cứ theo tục ấy mà làm không có bạc thì làm cút không được quên tục lệ của ông cha.

    Có ý kiến cho rằng đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước. Có ý kiến cho rằng với trang trí hoạ tiết hoa sen, Khau Cút có ít nhiều liên quan tới đạo Phật. Lại có ý kiến cho rằng, với hoạ tiết hình trăng, Khau Cút gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái ở thế kỷ XI, anh em luôn nhớ về nhau. Thông qua kiểu dáng Khau Cút có thể biết được địa vị của chủ nhà. Trong quan niệm của xã hội Thái phong kiến, những gia đình ở địa vị hèn sang khác nhau phải sử dụng những kiểu dáng khau cút khác nhau. Với những gia đình nông dân nghèo khổ, không có vai vế gì trong xã hội, thì chỉ được dùng loại cút quai (cút sừng trâu) hoặc cút mải (cút sừng dê). Với những gia đình có nhiều con cháu, điều kiện kinh tế thuộc hàng trung lưu, thì dùng loại khắc nhiều hoa văn, họa tiết, có một thanh gươm bên dưới tượng trưng cho quyền lực. Loại cút mà dân gian gọi là “cút vua ban” có hình lá sen, chỉ dành cho những gia đình giàu sang quyền quý, chủ yếu là đám chức sắc phìa tạo.

    Xung quanh Khau Cút có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc cũng như sự tồn tại và phát triển của nó, nhưng một điều không thể phủ nhận là đây là một nét văn hóa đặc trưng quen thuộc của nền văn hóa Thái.

    Có thể nhận thấy rằng, theo thời gian nghệ thuật cấu trúc Khau Cút của người Thái đen đã có sự phát triển đáng kể từ thấp lên cao. Càng về sau các loại hình khau cút càng được chế tác tỉ mỉ, phức tạp và ngày càng trở nên tinh xảo. Khau Cút của người Thái đen vùng Tây Bắc là một di sản văn hoá độc đáo, góp phần quan trọng làm phong phú thêm cho kho tàng văn hoá lâu đời của người Thái. Chính vì vậy, gìn giữ, bảo tồn và phát huy Khau Cút của người Thái đen vùng Tây Bắc và các giá trị của nó là việc cần thiết và có ý nghĩa thiết thực trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

  • Tác giả: Thùy Dương
  • Nguồn tin: ảnh sưu tầm