• Thêm cơ hội phát triển du lịch tại xã Pa Ham, huyện Mường Chà
  • Thời gian đăng: 07/06/2020 10:17:16 PM
  • Pa Ham là một xã vùng xa của huyện Mường Chà, cách trung tâm huyện gần 80km. Phía Đông giáp với xã Trung Thu của huyện Tủa Chùa; phía Nam giáp với xã Nậm Nèn, phía Tây giáp với xã Hừa Ngài và phía Bắc giáp với xã Sá Tổng, huyện Mường Chà. Với tổng diện tích tự nhiên 3.221,29 ha, toàn xã có 09 bản, với 3 dân tộc Mông, Thái và Kinh. Với địa hình chủ đạo là sông suối, rừng, núi với những cảnh đẹp của núi non hùng vĩ, sông nước cùng vẻ đẹp bí ẩn của hang động… đã tạo cho Pa Ham một tiềm năng du lịch về hang động có thể thỏa mãn niềm đam mê khám phá của những người yêu thiên nhiên, yêu thích sự khám phá, trải nghiệm.

    Bên cạnh quần thể di tích danh lam thắng cảnh hang động Huổi Cang, Huổi Đáp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 2019, Pa Ham còn nhiều hang động mới được phát hiện và đang được lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích như Thẩm Tâu 1, Thẩm Tâu 2 và hang Hát Chuống

    Hang động Thẩm Tâu 1 (hay Hang Do 1): Nằm trong khu vực núi đá giữa nhánh sông Nậm Tấu và trục đường từ Pa Ham đi Mường Lay, cửa hang cao khoảng 15 - 20m so với mặt nước sông Nậm Tấu, hang động có hai ngách (ngách 1 sâu khoảng 30 - 40m, ngách 2 sâu khoảng 15 - 20m), độ cao của hang khoảng 5 - 7m. Trong hang, có rất có nhiều nhũ đá màu xám, vàng, trắng, xanh rêu tạo thành các hình cột đá, măng đá, rèm đá, nấm đá và múi đá. Đặc biệt trong một hốc của hang động, có dấu hiệu di chỉ khảo cổ với những công cụ bằng đá của con người thời kỳ tiền sử đã từng sinh sống tại hang này.

    TLap-Th-m-T-u-Hang-Do-25-5-2020-39-.jpg

    Hang động Thẩm Tâu 1

    Hang động Thẩm Tâu 2 (hay Hang Do 2): Nằm đối diện với Hang động Thẩm Tâu 1 qua con sông cạn đổ vào sông Nậm Tấu, cửa hang cao khoảng 3-5m so với mặt nước sông Nậm Tấu. Hang động sâu khoảng 20-30m, độ cao của hang khoảng 5-7m. Trong hang, có rất có nhiều nhũ đá màu vàng, trắng tạo thành các hình nấm đá và rèm đá rủ xuống; đặc biệt trên thành hang đá, có các lớp vách đá và hốc đá xếp chồng lên nhau một cách kỳ lạ. Kết hợp tham quan hang động Thẩm Tâu 2 với Thẩm Tâu 1 sẽ rất thuận lợi trong một chuyến tham quan.

    TLap-Th-m-T-u-2-Hang-Do-25-5-2020-23-.jpg

     Hang động Thẩm Tâu 2

    Hang động Hát Chuống (hay Thác Guồng): Nằm trong khu vực núi đá thuộc bản Huổi Cang. Hang có hai cửa (cách nhau khoảng 20m và cửa hang chính cao hơn cửa hang phụ khoảng 4-6m) hướng ra sông Nậm Mức theo hướng Đông ghé Nam, cao khoảng 25-30m so với mặt nước sông Nậm Mức; hang động có tổng chiều dài khoảng 220 - 250m; có 2 ngách chính thông với nhau bởi một đường hào (khoảng 3 - 5m) do con người đào để khai thác phân dơi ở trong hang động; độ cao của hang khoảng 10-12m. Trong hang, có rất có nhiều nhũ đá nhiều màu sắc tạo thành các hình trụ đá, nấm đá, vú đá, chuông đá, tượng đá, rèm đá, lưỡi đá và hốc đá. Trên trần và bên vách hang động có rất nhiều con dơi lớn. Đặc biệt, trong một hốc cao của hang động, có một con rắn đá với đầu đỏ, đuôi đỏ, nặng khoảng 3-4kg, không hung dữ nhưng khá nguy hiểm.

    TLap-H-t-Chu-ng-Th-c-Gu-ng-26-5-201-.jpg

     Hang động Hát Chuống

    Khám phá hang động Hát Chuống sẽ để lại cho du khách những trải nghiệm không thể nào quên về một vùng đất còn nguyên vẻ hoang sơ. Bên cạnh đó, du khách còn có thể kết hợp tham quan, khám phá du lịch sinh thái trên dòng sông Nậm Mức thơ mộng cùng với những nét giá trị văn hóa dân tộc đậm bản sắc của người dân bản địa.

  • Tác giả: Đức Lập