• Thành Vàng Lồng
  • Thời gian đăng: 20/05/2020 10:12:27 PM
  • Thành Vàng Lồng - di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo trên Cao nguyên đá Tả Phìn

     

    Di tích thành Vàng Lồng thuộc địa phận bản Tả Phìn 1, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa. Theo tiếng dân tộc Mông "Vàng" có nghĩa là vua chúa, "Lồng" có nghĩa là một vòng tròn.

    Theo các tư liệu lịch sử, vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, gia đình Vàng Chống Cáng, người dân tộc Mông di cư từ Trung Quốc sang và định cư tại bản Tả Phìn. Sinh sống được một thời gian mẹ của Vàng Chống Cáng mắc bệnh rồi qua đời. Theo phong tục tang ma của dân tộc Mông và để tạ ơn đấng sinh thành dưỡng dục cùng với tập quán xã hội và sử thoại nguyên sơ, người Mông tâm niệm rằng cha mẹ qua đời, con cái chọn được đất tốt an táng sẽ ăn nên làm ra, giàu có và được nhiều người nể trọng. Vàng Chống Cáng đã thuê một thầy phong thủy tìm đất để an táng mẹ. Trước khi xem đất thầy phong thủy nói với Vàng Chống Cáng: “Tôi không có gia đình, người thân, chọn được đất tốt chôn cất cho mẹ ông, ông trở nên giàu có, nếu tôi có mệnh hệ gì liệu ông có phụ dưỡng, chăm sóc, coi tôi như người thân trong gia đình hay không?” nghe vậy, Vàng Chống Cáng nhận lời. Một thời gian sau, Vàng Chống Cáng làm ăn buôn bán thuận lợi, trở nên giàu có nhất vùng. Ông thuê người xây thành nhằm bảo vệ tài sản của gia đình.

    Thành Vàng Lồng được xây dựng trong vòng 9 năm, trên một vùng đất khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ, tập trung đông dân cư, đường xá đi lại thuận tiện, cách trung tâm xã Tả Phìn hiện nay khoảng 600m. Thành có chu vi khoảng 440 m, với 2 cửa (cửa chính nằm ở phía Bắc chạy dài đến ngã ba xã Tả Phìn; cửa phụ nằm ở phía Đông, giáp khu vực đường đi xã Huổi Só). Thành cấu tạo theo hình vòng tròn, lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên, tận dụng chiều cao của các đồi, gò vì thế tường thành có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không bằng theo đường thẳng. Nguyên liệu xây dựng thành chủ yếu là đá, với phương thức ghè, đẽo hoàn toàn bằng thủ công, sử dụng kỹ thuật ghép đá tinh xảo, từ phiến đá to, đến viên đá nhỏ xếp chồng lên nhau, tạo thành mặt phẳng, thành cao trung bình 2m, mặt thành rộng 1m không những người mà ngựa cũng có thể đi lại được.

    Thành Vàng Lồng được đánh giá là tòa thành cổ, có quy mô lớn, cấu trúc thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Mông. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc, Thành Vàng Lồng đã được UBND tỉnh Điện Biên công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

     M-t-o-n-th-nh-V-ng-L-ng-c-n-s-t-l-i.jpg

    Một đoạn di tích thành Vàng Lồng còn sót lại ngày nay (ảnh internet)

     B-i-c-T-Phin.jpg

     Bãi đá cổ Tả Phìn (ảnh Hoàng Hải Giang)

  • Tác giả: Biên Thùy, ảnh Hoàng Hải Giang và internet