Trong lễ tục vòng đời, Lễ Gạ Ma Thú (cúng bản) là nghi lễ lớn, quan trọng nhất của cộng đồng người Hà Nhì. Lễ thường được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng nămvới ước nguyện cầu thần rừng và tổ tiên phù hộ để năm mới mưa thuận, gió hòa, mọi người trong bản mạnh khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn.
Ngày cúng thường được chọn vào các ngày con hổ (Khà Là), con trâu (Nhù no) hoặc con dê (Gió no). Theo cách tính của người Hà Nhì, những ngày này là những ngày thiêng, ngày tốt, thần linh bằng lòng xuống dự lễ hội và phù hộ cho dân bản.
Lễ thường được tổ chức trong ba ngàyvới hai phần chính là lễ và hội. Phần lễ diễn ra tại các điểm cúng của bản với nhiều nghi lễ. Các gia đình chuẩn bị lễ vật để cúng thần: Đàn ông chuẩn bị lợn, gà, đan giỏ đựng trứng; phụ nữ chuẩn bị gạo, trứng gà nhuộm đỏ, xôi nhuộm vàng.Buổi chiều, các gia đình mang lễ vật tượng trưng cho những vật dụng trong sinh hoạt, lao động sản xuất và thể hiện một cuộc sống thanh bình sung túc, vật phẩm phong phú của dân bản để làm 6 mâm cúng, thực hiện các nghi thức: Cúng đầu bản (cúng chính), mâm cúng cổng bản, cúng thần nước (phía Tây), cúng thần rừng (phía Đông), cúng thần gió (phía Bắc), cúng thần đất (phía Nam).
Người dân chuẩn bị lễ vật cúng đầu bản
Trong lễ cúng bản, mâm cúng đầu bản là mâm cúng chính, quan trọng nhất, lễ vật phải to hơn các mâm khác, do thầy cúng chính làm chủ lễ. Vị trí đặt mâm cúng phải ở vị trí linh thiêng, ở đầu bản và là vị trí cố định, không thay đổi. Nơi đặt mâm cúng chính là vị trí gốc một cây si cổ thụ, trên một quả đồi nằm ở phía Đông Bắc của bản. Vị trí này đã được dân bản lựa chọn từ lâu, là nơi cố định, không thay đổi, được dân bản bảo vệ không cho thú rừng hoặc trâu bò phá hoại, được xem là nơi linh thiêng không cho phép bất kỳ một ai tùy tiện ra vào khu vực này. Chỉ khi nào dân bản tổ chức cúng bản thì mới được phép vào phát cỏ và dọn dẹp sạch sẽ để làm lễ cúng cho dân bản.
Lễ cúng rừng thiêng
Ngày thứ ba, là ngày cúng chính thức. Đúng giờ đã chọn, chủ cúng và những người giúp việc mang gà, xôi ba màu, rượu, thịt lên cúng ở rừng thiêng để đuổi ma tà và những điều không may mắn. Phụ nữ và trẻ em không được tham dự lễ cúng này. Các bà, các mẹ ở nhà luộc trứng rồi nhuộm thành màu đỏ, phân phát cho trẻ nhỏ. Theo lý của người Hà Nhì, những quả trứng này là những vật bảo trợ giúp trẻ mạnh khỏe, chóng lớn và thông minh.
Những quả trứng nhuộm đỏ được phân phát cho trẻ nhỏ mang ý nghĩa bảo trợ trẻ mạnh khỏe, chóng lớn và thông minh
Sau lễ cúng, cả bản tập trung tại nhà chủ cúng dự bữa tiệc liên hoan. Và lúc này, phần hội diễn ra với các hoạt động nghệ thuật trình diễn dân gian, liên hoan cộng đồng. Trong những ngày cúng bản, mọi người trong bản đến từng nhà chúc năm mới và tạm dừng các công việc đi nương, đào đất, lấy củi. Trẻ em, người lớn hòa mình trong các lời ca, điệu múa, các trò chơi dân gian của dân tộc: đánh cù, đu quay, đu dây, đánh khăng....
Các em bé chơi đu quay trong lễ hội
Là một trong những di sản văn hóa đặc sắc, Lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019./.