Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp thuộc địa phận hai bản Huổi Cang, Huổi Đáp, xã Pa Ham, huyện Mường Chà cách trung tâm thị trấn huyện Mường Chà gần 80 km.
Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp nằm trong khu vực núi đá có tên gọi Pom Thẳm Bẻ (hay đồi hang dê theo tiếng địa phương) cao khoảng 480m so với mực nước biển, cửa hai hang động cách nhau khoảng 450m, cùng hướng về phía Đông Nam. Hai hang động đều có ba khoang chính và nhiều ngách nhỏ, xung quanh là khu rừng tái sinh, nương rẫy và một số hang động nhỏ khác.
Nhũ đá trong hang Huổi Cang
Hang động Huổi Cang có tổng chiều dài 1.016m, được chia làm ba khoang chính và nhiều ngách nhỏ, có rất có nhiều nhũ đá, màu xám, vàng, trắng, xanh rêu mang hình thù như các cột đá, măng đá, hình rèm, hình những cây nấm, hình tượng phật và hình các con vật. Các khoang có chiều cao trung bình từ 10 - 15 m, rộng từ 5 - 12 m. Mỗi khoang đều có những nét đẹp đặc trưng riêng khiến người xem không khỏi choáng ngợp. Nếu khoang thứ nhất có nhũ đá với hình thù như những móng vuốt tua tủa sắc nhọn, như bức rèm chứa đầy bí ẩn như những bàn tay, nhũ đá hình những cây măng, hình tượng phật, hình các cây nấm khổng lồ, những cột đá cao khoảng từ 4 - 5m… thì khoang thứ hai lại là những gườm đá dài nối từ trần hang động xuống dưới nền như dải san hô; trên vách và trần hang động, nhũ đá buông xuống như những dải lụa. Đặc biệt trên trần hang động, nhũ đá kết lại như những cụm đèn chùm bằng pha lê, hình quả chuông, những nhũ đá hình thù như những bọt nước, sau bức rèm hình các cô tiên đang nô đùa, ẩn mình trong đó có khối giống tê giác một sừng, cá sấu, hải cẩu… Khoang thứ ba thì được chia thành hai ngách lớn và các ngách nhỏ, ở mỗi ngách đều có hình thù sư tử biển, chim, vượn…
Hang động Huổi Đáp có tổng chiều dài 350m, cửa hang rộng 3m, cao 1,5m và đi sâu xuống lòng đất khoảng 5-7m. Càng đi vào trong lại càng mở rộng, có nơi rộng đến 20 - 25m, trần cao từ 10 - 15m. Nền hang động chủ yếu là những tảng, ụ đá lớn, nhô lên cao khoảng 4 - 5m như đàn voi, đàn hươu và những cột đá, măng đá hình cây thông, cây xương rồng, chiều cao trung bình khoảng 2 - 3m. Vách màu vàng, xanh xám đan xen nhau buông xuống nền hang động như những dải lụa, bức màn gió, đèn chùm to nhỏ khác nhau được trang trí cho một tòa lâu đài sang trọng, nhiệt độ luôn ở mức 20 - 21 độ C. Đặc biệt trong hang có rất nhiều sinh vật cư trú như dơi, chim, nhện và ốc rừng hay còn gọi ốc thuốc. Có khoang lại được chia thành nhiều ngách nhỏ với nền là những viên đá cuội tròn, những cột đá, măng đá khổng lồ. Trên trần có những nhũ đá nhỏ xuống thành những khe nước chảy len lỏi trong hang. Có ngách lại được hình thành nhẵn nhụi như những giao thông hào, liên kết liền mạch, thông suốt và mang những vẻ đẹp riêng biệt….
Nhũ đá trong Hang động Huổi Đáp
Khám phá hang động Huổi Cang, Huổi Đáp sẽ để lại cho du khách những trải nghiệm không thể nào quên về một vùng đất còn nguyên vẻ hoang sơ. Bên cạnh đó, du khách còn có thể kết hợp tham quan, khám phá du lịch sinh thái trên dòng sông Nậm Mức thơ mộng với những giá trị văn hóa dân tộc bản địa đặc sắc.
Để đến được với hang động Huổi Cang, Huổi Đáp, du khách có thể đi theo nhiều cách bằng các phương tiện xe cơ giới, xe thô sơ hoặc có thể đi thuyền, xuồng. Du khách nên liên hệ để có người dân bản địa dẫn đường để đảm bảo an toàn và tránh bị lạc đường:
Đi thuyền trên sông Nậm Mức
- Tuyến 1: Từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 đến thị xã Mường Lay, ngược lên quốc lộ 6A đến xã Pa Ham và đi xuồng ngược sông Nậm Mức đến hang động.
- Tuyến 2: Từ thành phố Điện Biên Phủ theo quốc lộ 279 đến thị trấn Tuần Giáo, ngược lên quốc lộ 6A đến xã Pa Ham và đi xuồng ngược sông Nậm Mức đến hang động.
- Tuyến 3: Từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 qua thị trấn huyện Mường Chà đên Huổi Lèng rẽ phải theo đường tỉnh lộ 144b qua xã Hừa Ngài rẽ trái đến Quốc lộ 6A, rẽ trái đi xã Pa Ham và đi xuồng ngược sông Nậm Mức đến hang động.