Độc đáo kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống của người Mông (ngành Mông hoa)
Nằm trên đỉnh đèo Ma Thì Hồ, bản Cổng trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Mông. Người Mông ở đây có nhiều nét văn hoá truyền thống độc đáo, hấp dẫn, trong đó có kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải. Đây là tri thức dân gian về một nghề thủ công truyền thống đã gắn bó với đồng bào từ ngàn xưa và cho đến bây giờ vẫn được những người dân nơi đây bảo tồn và phát triển. Năm 2017, kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông tại bản Cổng trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vẽ hoa văn sáp ong trên vải đòi hỏi sự cầu kì, tỉ mỉ trong từng đường nét
Trang phục truyền thống của người Mông hoa mang vẻ đẹp đặc trưng với các họa tiết hoa văn rực rỡ, cùng với sự phối màu hài hòa trên các gam màu hồng, cam vàng xen lẫn một số hoa văn lá cây, phong cảnh... nhưng màu đỏ vẫn là màu chủ đạo. Theo các nghệ nhân ở đây chia sẻ, để vẽ hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống, đầu tiên là phải chuẩn bị các vật liệu như chọn sáp ong để sơ chế. Sáp ong lấy từ trên rừng về, vắt bỏ mật lấy sáp đem đun nóng chảy đổ vào bát cho khô đông lại, sáp ong có hai khoảng màu vàng và màu đen. Màu vàng là lớp sáp non, màu đem là lớp sáp già. Khi bắt đầu vẽ sáp thì nấu hai loại sáp trộn với nhau để nóng chảy ở nhiệt độ 70-80 độ. Khi nấu, sáp có độ loãng cần thiết thì mới in được, nếu loãng quãng quá in hoa văn sẽ bị nhòe còn nấu đặc quá thì sáp ong sẽ không dính được vào vải và đặc biệt là sáp nóng khi vẽ dính vào vải sẽ không bị khô.
Những đôi tay khéo léo và tinh tế để thêu được những hoa văn tinh xảo lên trang phục
Trước khi vẽ, các nghệ nhân cần chuẩn bị các dụng cụ và vật liệu như khổ vải lanh, bát sứ để miết vải, bút, thước, bàn vẽ và sáp ong... Đối với bộ bút vẽ gồm 5 chiết bút (thìa vẽ) hình. Gọi là bút, nhưng thực chất đó là một thanh tre nhỏ dài khoảng 7cm, ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác được nẹp vào thanh tre. Ngòi bút càng mỏng hoa văn vẽ càng đẹp và dễ vẽ. Khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp tiếp nét vẽ. Nếu vẽ sáp ong trên vải, người vẽ dùng một cái lu cở, trên miệng lu cở để một miếng gỗ. Miếng gỗ là một tấm ván bằng phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ. Công việc vẽ hoa văn được làm liên tục khi nào hết khổ vải mới kết thúc. Khi vẽ xong hoa văn, đợi cho sáp khô người ta mới đem đi nhuộm chàm nhiều lần rồi mới phơi khô và khi vải không thì bỏ vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để lớp sáp bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải.
Phụ nữ Mông ở Sa Lông rất điêu luyện trong việc thêu thùa hoa văn lên trang phục
Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải mới nghe tưởng như đơn giản nhưng để làm hoàn chỉnh tạo ra sản phẩm trên trang phục truyền thống của dân tộc Mông ở đây phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian. Điều đặc biệt, người Mông hoa có những bí quyết tạo họa tiết hoa văn trên vải hết sức độc đáo và phong phú. Họ thêu không có mẫu vẽ sẵn mà bằng trí nhớ, thêu ở mặt trái, hoa văn hiện lên ở mặt phải vải với các mô típ hoa văn phong phú hàm chứa những giá trị đẹp đẽ.
Trải nghiệm kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong, tự mình làm ra một món quà để tặng người thân, kết hợp với tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hòa nhập cùng cuộc sống thường ngày của người dân bản địa. Một trải nghiệm thú vị mà sâu lắng, đưa du khách về với những tình cảm chân phương nhưng cũng không kém phần thi vị, lạ lẫm sẽ để lại những dấu ấn khó quên trên mỗi hành trình./.