• Điên Biên: Dấu tích Pú Vạp
  • Thời gian đăng: 11/06/2024 03:01:21 PM
  •            Dấu tích dãy nhà chính còn sót lại của khu di tích Pú Vạp.

    Theo người dân tộc Thái bản địa, Pú Vạp là đỉnh núi cao nhất của dãy núi phía Tây, là một vị trí hiểm yếu, phía sau là núi cao phía trước là sông rộng. Năm 1948, khu nghỉ dưỡng Pú Vạp được vua Thái Ðèo Văn Long xây dựng với mục đích là nơi nghỉ dưỡng, tránh khí hậu oi bức mùa hè. Phía trước khu nghỉ dưỡng còn có sân rộng và sân khấu để tổ chức các cuộc vui chơi, biểu diễn múa xòe, múa nón, múa sạp...

    Những bậc cao niên kể rằng, đội múa xòe gồm 12 người, là các cô gái Thái bản địa, thường xuyên múa hát phục vụ Ðèo Văn Long và các quan khách. Các bài xòe thường dùng nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái như “pí kểu” và “tính tẩu” làm nhạc đệm. Tuy nhiên, các cô gái trong đội xòe phải chịu nhiều khổ cực, có những lúc Ðèo Văn Long bắt họ phải múa xòe trên sàn gỗ lim lót sắt nóng rẫy bởi đốt dầu phía dưới. Khi nhiệt truyền khắp sàn gỗ, mặc dù chưa tới mức bỏng, nhưng cũng đủ làm khó cho những bàn chân trần của các cô gái xòe. Khi có khách quý, Ðèo Văn Long còn đổ thứ dầu trơn nhẫy lên mặt sàn để các cô gái Thái thể hiện tài năng múa xòe; nhiều người không ít lần bị trượt ngã, bị thương.

    Không chỉ là nơi giải trí, tiêu khiển của bọn thống trị, Pú Vạp còn là nơi giam cầm, tra tấn những người hoạt động yêu nước, chống lại thực dân Pháp.

    Ngày nay, Pú Vạp là chứng tích một giai đoạn lịch sử ở vùng ngã ba sông, là địa chỉ đỏ để giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Ðây cũng là địa điểm tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch.

    Chiếc lò sưởi kiểu dáng châu Âu trong khu di tích Pú Vạp vẫn còn giữ nguyên vẹn kết cấu.

    Ðể đến Pú Vạp, du khách chỉ có thể di chuyển bằng xe máy trên con đường gấp khúc, uốn lượn. Ði dần lên cao nhìn xuống, TX. Mường Lay với những nếp nhà sàn nằm san sát, soi bóng bên lòng hồ thơ mộng. Trên đường đến Pú Vạp, du khách sẽ đi qua 2 khu dân cư người Mông, thuộc bản Hua Nậm Cản (phường Na Lay), được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bãi cỏ xanh mướt. Nếu đi từ sáng sớm, khi màn sương núi còn chưa tan, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác như đi trong làn mây mờ ảo, càng lên cao, mây càng nhiều, trắng xóa. Từ bản Hua Nậm Cản, hành trình sẽ khó khăn hơn khi đường đi chỉ là những lối nhỏ khúc khuỷu, trơn trượt, xuyên qua những cánh rừng tạp. 

    Sau hành trình hơn một giờ đồng hồ sẽ đến đỉnh núi cao nhất của dãy núi phía Tây, di tích Pú Vạp hiện ra sau tầng lớp cây dại. Nơi đây có vị trí tương đối bằng phẳng, xung quanh có nhiều cây cối, hoa rừng, khí hậu mát mẻ quanh năm.

    Qua lời giới thiệu tận tình của cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã, chúng tôi dần mường tượng ra khu nghỉ dưỡng Pú Vạp ngày trước với hai khu riêng biệt cách nhau khoảng 1km. Mỗi khu gồm hai dãy nhà ngang ba gian kiên cố, được xây dựng theo lối kiến trúc của người Pháp. Vật liệu để xây dựng là gạch vồ, đất nung, mái lợp đá xẻ ngũ sắc. Mỗi dãy nhà được xây dựng với diện tích từ 50 - 60m2, riêng dãy nhà chính có diện tích gần 100m2. Tuy nhiên hiện nay phần mái các ngôi nhà đã bị sập hết, chỉ còn lại một số dấu tích như: Nền móng, tường nhà, bể nước. Ðặc biệt ở gian thứ hai của dãy nhà chính có 1 bếp sưởi vẫn được giữ nguyên vẹn với thiết kế kiểu dáng châu Âu.

    Năm 2018, Pú Vạp được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 33/QÐ/QÐ-UBND của UBND tỉnh. Với định hướng phục dựng lại, để nơi đây trở thành điểm tham quan du lịch và nghỉ mát, TX. Mường Lay đang nỗ lực tôn tạo, phục dựng di tích Pú Vạp để bảo tồn, quản lý và khai thác theo tinh thần Quyết định số 666/QÐ-TTg ngày 31/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La. Hi vọng trong tương lai không xa, chuỗi du lịch về với “thủ phủ” của đồng bào Thái trắng Mường Lay sẽ ghi thêm một địa chỉ mới đầy hấp dẫn: “Khu nghỉ dưỡng Pú Vạp”.

  • Nguồn tin: Thu Hằng - Báo Điện Biên