Đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên bao gồm 5 nhóm chính: Mông Trắng (Mông Đơ), Mông Hoa (Mông Lềnh), Mông Đỏ (Mông Si), Mông Đen (Mông Đu), Mông Xanh (Mông Sua hay Mông Mán). Đồng bào dân tộc Mông có nền văn hóa phong phú, với nhiều phong tục, tập quán, lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc tộc người. Trong đó, Tết Nào Pê Chầu là một trong những hoạt động tín ngưỡng lâu đời không thể thiếu trong đời sống sản xuất, văn hóa, tâm linh truyền thống.
Tết Nào Pê Chầu có nghĩa là: “Ăn tết ngày 30”, theo quan niệm của đồng bào dân tộc Mông, 30 tết là ngày diễn ra các nghi lễ chính để bước sang một năm mới và Nào Pê Chầu được hiểu là Tết chính, Tết cổ truyền. Nào Pê Chầu được tổ chức để đón chào năm mới, tạ ơn trời đất, thần linh, tổ tiên, ma nhà đã phù hộ cho con cháu trong dòng họ, bản làng; dâng lễ vật để cầu xin các thế lực này tiếp tục phù hộ cho dân bản một năm mới mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, gieo trồng được nhiều lúa ngô, chăn nuôi được nhiều lợn gà, trâu bò.
Tết Nào Pê Chầu được tổ chức mỗi năm một lần, thường vào tháng chạp, sớm hơn Tết Nguyên đán của người Việt từ 1 - 2 tháng tùy vào điều kiện thu hoạch mùa màng và việc chuẩn bị tết của từng năm; thời gian ăn tết từ 3 - 5 ngày. Cũng giống như nhiều lễ hội khác, Tết Nào Pê Chầu gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội.
Nghi thức cúng bàn thờ Xử Ca
Với phần lễ, trong những ngày Tết, mỗi gia đình đồng bào dân tộc Mông thường thực hiện các nghi lễ như: Lễ tạ ơn tổ tiên, Lễ dọn dẹp xung quanh nhà cửa, Lễ quét bồ hóng, Lễ lập và thay bàn thờ xử ca, Lễ cúng tổ tiên, Lễ đi lấy nước mới đầu năm, Lễ hạ mâm ngày tết. Trong đó, nghi lễ quan trọng nhất là lễ “Lập và thay bàn thờ xử ca”, theo quan niệm của người Mông, xử ca là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống ma nhà của người Mông, đó là ma có nhiệm vụ cai quản của cải, tiền bạc, phù hộ độ trì cho gia đình làm ăn phát đạt. Nơi thờ xử ca được đặt ở tấm ván giữa tường phía sau, đối diện với cửa chính (cao từ 1,5 - 2m, dán một miếng giấy dó màu trắng, hình chữ nhật hoặc vuông; ở giữa dán giấy dó màu vàng hoặc bạc, một túm lông gà mềm chấm tiết gà rồi dính vào giữa tờ giấy xử ca thành hình tam giác hay chữ nhật, theo quan niệm của từng dòng họ). Xung quanh bàn thờ được trang trí giấy dó, phía dưới giấy dó dính lông gà là một chiếc ghế dài - nơi đặt bát hương và đồ lễ. Đồ lễ lập bàn thờ xử ca, gồm: Một con gà và các món ăn được nấu chín... ngoài ra, gia chủ còn mổ thêm đôi gà đem luộc chín để cúng mời tổ tiên về ăn tết và con cháu thụ hưởng trong ngày tết.
Nghi thức cúng tổ tiên trong Tết Nào Pê Chầu
Tết Nào Pê Chầu cũng là ngày hội đoàn kết, đưa mọi người trong cộng đồng làng bản xích lại gần nhau hơn. Sau khi các gia đình tiến hành các nghi lễ trong ngày Tết xong (chủ yếu là ngày 30 và sáng ngày mùng một), mọi người trong bản không kể tuổi tác, giới tính đã tập hợp đông đủ tại sân bãi để tham gia ngày hội trong bầu không khí vui tươi, đầm ấm với các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống dân tộc. Khi đến đây, toàn thể mọi người đều khoác lên mình bộ trang phục rực rỡ nhất, đẹp nhất và thỏa sức với các trò chơi dân gian như đánh tù lu (cù), ném pa pao, đánh cầu lông gà hoặc các tiết mục văn nghệ như hát ống (cha xái), thổi khèn (tsua kênh), múa khèn (tờ kênh), thổi sáo (tsua cha), thổi đàn môi (tsua chà) ….
Múa khèn
Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Mông cũng có một số kiêng kỵ trong các ngày Tết như: Không đổ nước xuống nền nhà, vì họ quan niệm nếu làm nước đổ ra thì năm đó khi đi làm nương rẫy hay đi đường xa sẽ gặp nước lớn cản trở; khi quét nhà không mang đổ ra ngoài mà chỉ đổ để dồn một chỗ, khi qua ba ngày tết mới hót mang ra ngoài để tránh đổ đi những điều may mắn của năm mới; kiêng không ăn rau vì theo quan niệm nếu ăn rau thì năm đó khi làm nương rẫy sẽ rất nhiều cỏ không nhổ hết khiến cho mất mùa, không những thế nếu ăn rau là thể hiện sự nghèo khổ, thiếu ăn; khi nướng hoặc rán bánh dày không được để cháy vì nếu ăn bánh mà bị cháy thì cả năm đó sẽ gặp nhiều điều không may mắn như cháy nhà, quần áo bị cháy hay bị trộm cắp…; không để vợ chồng, con cái cãi vã, gây sự để đem lại sự hòa thuận, hạnh phúc trong cả năm
Tết Nào Pê Chầu là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Thông qua Tết Nào Pê Chầu, đã cho thấy sự hội tụ các giá trị văn hóa tiêu biểu. Trong những ngày tết, người dân thường gặp gỡ và tham gia các hoạt động cùng nhau, giúp xóa bỏ mọi ưu phiền và mâu thuẫn thường ngày. Là dịp để bà con chia sẻ, tâm sự trong bầu không khí đoàn kết, rộn ràng của mùa xuân, giúp cho tình thân ái giữa anh em họ hàng và cộng đồng được củng cố, bền chặt.