• Tết mùa mưa (Dế Khừ Chà) của người Hà Nhì
  • Thời gian đăng: 18/09/2020 05:16:21 PM
  • Trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, người Hà Nhì có khoảng hơn 5.500 người, sinh sống tập trung chủ yếu ở 4 xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải và Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé). Những năm gần đây, đời sống của người Hà Nhì đã có nhiều đổi thay, phát triển, tạo điều kiện để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống qua những phong tục, nếp sống đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
  • Thi-u-n-HN.jpg

    Thiếu nữ Hà Nhì

    Nhắc tới những lễ hội của người Hà Nhì, Tết Mùa mưa (Dế khừ chà) là một trong những Tết quan trọng trong năm được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để người Hà Nhì cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trồng ngô được nhiều ngô, trồng lúa được nhiều lúa, nuôi lợn, nuôi trâu, nuôi gà được sinh sôi đầy đàn và cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh.

    Khi bắt đầu mùa mưa và khi lúa đã đến thì con gái, dân bản sẽ họp bàn và thống nhất ngày làm lễ. Ngày được chọn thường là ngày Hợi hoặc ngày Thìn. Đúng ngày chọn, các hộ gia đình tổ chức các nghi thức của Tết Mùa mưa. Từ chiều hôm trước, phụ nữ trong nhà sẽ đi lấy lá chuối, ngâm gạo nếp, chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng cho lễ cúng.

                         N-u-x-i.jpg                               

    Nghi thức đồ xôi, giã bánh dày           

    Rạng sáng hôm sau, phụ nữ trong nhà đồ xôi, giã bánh dày. Gạo nếp được lựa chọn là loại nếp thơm, dẻo do chính tay của những người trong gia đình cấy trồng. Công đoạn giã được hầu hết thành viên trong gia đình cùng tham gia để thể hiện tình đoàn kết. Giã xong, họ sẽ nặn thành 3 chiếc bánh dày, dâng cúng tổ tiên.  Bánh được coi là thành quả lao động vất vả của gia đình trong năm qua, đồng thời là thứ lễ vật thơm ngon mong tổ tiên về chứng giám cho lòng thành của gia chủ. Chủ nhà là đàn ông hoặc phụ nữ đều có thể thực hiện nghi thức cúng.

    Cúng xong chủ nhà sẽ chia cho các thành viên trong gia đình ăn bánh và chuẩn bị cho phần nghi thức gọi hồn. Lễ vật gồm 2 con gà, 1 quả trứng, 1 bát nước trắng, 1 chai rượu và một số vật dụng, trang sức không thể thiếu như vòng tay, khăn, áo, quần, váy của các thành viên trong gia đình.

    CHu-n-b-c-ng.jpg

    Chuẩn bị lễ vật để cúng

    Lễ cúng được thực hiện ngoài cửa và trong nhà, nơi có ban thờ tổ tiên, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; lợn, trâu, gà sinh sôi đầy đàn và con cháu được khỏe mạnh. Sau lễ cúng, chủ lễ sẽ mang tất cả các lễ vật vào nhà, để cạnh bàn thờ. Các thành viên trong nhà cùng uống bát nước trắng, nhận lại trang sức, quần áo, vật dụng.

    Sau đó gia chủ cắt tiết gà. Mọi người trong gia đình chuẩn bị 2 bát cháo, 2 bát thịt nạc gà xé, 1 bộ gan gà luộc, 2 chén rượu, 2 đôi đũa để cúng 2 bên nội ngoại. Cúng xong, trẻ nhỏ hoặc người già ưu tiên ăn trước, sau đó cả gia đình mới cùng ăn, có thể mời thêm anh em, bạn bè, hàng xóm láng giềng đến ăn Tết.

    6-1561519598.jpg

    Nghi thức cúng lễ

    Ăn xong, các gia đình cho trẻ nhỏ chơi cây đu trong nhà. Người lớn chơi cây đu được dựng ở khu đất giữa bản.

    PHAM8776-JPG.jpg

    Tham gia chơi đu

    Tết mùa mưa được người Hà Nhì tổ chức trong 4 ngày. Đây cũng là 4 ngày kiêng kỵ bắt đầu từ ngày Hợi, Tí, Sửu đến hết ngày Dần. Trong 4 ngày này, các thành viên trong gia đình vui chơi, ăn uống, múa hát vui vẻ. Đây cũng chính là thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức lao động sau một năm lao động vất vả.  

    Nếu đến với Mường Nhé những ngày tháng 5, tháng 6 du khách sẽ được hòa mình trong không khí lễ hội Tết mùa mưa của người dân nơi đây, những con người hiền hòa, mến khách và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, khám phá những phong tục, trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và mong cho một năm bội thu đến với mọi nhà./.

  • Tác giả: Biên thùy; ảnh sưu tầm