• Lễ cúng dòng họ “Dù su” của người Mông trắng
  • Thời gian đăng: 12/06/2023 03:26:08 PM
  • Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới, dân số trên 60 vạn người, có 19 dân tộc sinh sống trong đó dân tộc Mông chiếm 38,12% dân số toàn tỉnh với 05 ngành: Mông trắng, Mông xanh, Mông đen, Mông đỏ, Mông Hoa, phân bố ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Riêng ngành Mông trắng tập trung ở các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo.
  • Dân tộc Mông tỉnh Điện Biên có nền văn hóa lâu đời và đa dạng, nổi bật là các lễ hội dân gian độc đáo như lễ tết Nào Pê Chầu, lễ hội Gầu Tào, lễ Cúng Rừng, lễ ma bò, lễ Dù Su... Trong đó, lễ Dù Su là một lễ quan trọng, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mông.

      Theo tiếng dân tộc Mông,  có nghĩa là nhốt, gói chặt; Su theo nghĩa là những điều rủi ro, đen đủi. Lễ Dù su chính là nghi thức hàng năm tiến hành nhằm nhốt những những điều rủi ro, đen đủi, không may thường xảy ra với dòng họ, cầu mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với cả dòng họ.

      Ở Điện Biên, Lễ Dù Su của một số dòng họ trong dân tộc Mông được tổ chức mỗi năm một lần theo dòng họ và tùy thuộc tập quán cũng như quan niệm về ngày đẹp, ngày xấu của mỗi dòng họ ở mỗi địa phương, nhưng thông thường đều vào tháng 7 hoặc tháng 9 hằng năm. Chẳng hạn dòng họ Mùa, họ Vàng, họ Tráng ở huyện Tuần Giáo tổ chức lễ Dù su vào tháng 7 âm lịch. Trong khi đó dòng họ Giàng, họ Sùng lại tổ chức vào tháng 9 âm lịch.

    Đối với dòng họ Vàng tại xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông, Lễ Dù Su có quy mô tổ chức rộng với các nghi thức độc đáo, thường được tổ chức vào ngày 29 tháng 9 hàng năm, theo cách tính lịch riêng của dân tộc Mông và được tổ chức tại nhà trưởng dòng họ.

    Thời điểm cụ thể hình thành lễ Dù su của họ Vàng đến nay không còn người nhớ, theo các cụ già thì chỉ thấy lễ Dù su được ông cha tổ chức từ rất nhiều năm trước, từ khi họ Vàng đến định cư, lập bản trên địa bàn xã Háng Lìa. Thời gian đầu chỉ có khoảng vài gia đình trong dòng họ sống cùng nhau đã được trưởng họ tổ chức làm Lễ Dù su, nay quy mô dòng họ Vàng có nguồn gốc ở Háng Lìa đã có hàng trăm hộ và phạm vị cư trú cũng được mở rộng thêm ở một số địa bàn lân cận trong xã. Nhưng lễ Dù su vẫn được dòng họ duy trì hàng năm và ngày càng phát triển, nhận được sự quan tâm trách nhiệm của các gia đình trong dòng họ. Nghi lễ diễn ra cũng gồm các phần như nghi lễ hàng năm, có thể khác một vài chi tiết vì đây là lễ cúng lớn, cho nhiều gia đình ở nhiều bản, huyện khác nhau.

    Để thực hiện lễ Dù Su, công tác chuẩn bị được tiến hành chu đáo. Trước ngày làm lễ khoảng một tháng, trưởng dòng họ cùng với đại diện các gia đình sẽ họp bàn, thống nhất từ việc đóng góp lễ vật, lương thực thực phẩm cho buổi liên hoan chung sau khi tổ chức lễ, lựa chọn các thầy cúng trong việc thực hiện nghi lễ và phân công cụ thể các thành viên khác trong việc phụ lễ, chế biến thực phẩm.

    Trưởng họ là người chuẩn bị cất giữ quả hồ lô sứ để đựng “Su” (là những mẩu giấy màu, vải màu tượng trưng cho những điều không tốt) của dòng họ và được truyền từ đời này sang đời khác trong họ.

    Trong khi tiến hành lễ Dù Su có 04 thầy cúng phụ giúp trưởng họ để cùng thực hiện nghi lễ xua đuổi “Su”. Một trong bốn thầy cúng sẽ có người là thầy cúng chính để dẫn nhịp cho các thầy cúng còn lại thực hiện các nghi lễ đồng thời sẽ là người trực tiếp giao tiếp và xin ý kiến các thần linh trong buổi lễ.

    Nghi-le-Cung-trong-le-du-su-mong-trang-dbd_WsqcGgQg7EeufUgB_jpg.jpg

    Trước đây, vào khoảng những năm đầu của thế kỷ hai mươi, khi đó các hộ trong dòng họ chỉ khoảng trên dưới mười hộ, việc tổ chức Lễ Dù su và làm bữa cơm liên hoan của dòng họ đơn giản, dễ dàng do trưởng họ đảm nhiệm. Tuy nhiên, những năm gần đây dòng họ đã phát triển nhiều nên việc huy động các gia đình đóng góp chung để tổ chức lễ và liên hoan dòng họ vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm của các thành viên trong dòng họ, vừa thể hiện được tính đoàn kết, gắn bó gần gũi trong cộng đồng và cùng nhau san xẻ, gánh vác trách nhiệm với trưởng họ để duy trì nghi lễ góp phần bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

    Khi mọi việc được chuẩn bị hoàn tất, sáng ngày 29 tháng 9 theo cách tính của người Mông, các gia đình trong dòng họ Vàng tập trung đông đủ ở gia đình trưởng dòng họ. Theo sự phân công trước đó, mỗi thầy cúng sẽ phụ trách từ 30 đến 40 hộ để làm nghi thức xua đuổi cái xấu ra khỏi các gia đình đó.

    Nghi lễ diễn ra tại không gian giữa nhà trưởng họ, ngay dưới bàn thờ Xử ca, chủ nhà đặt một chiếc bàn nhỏ để đặt đồ lễ cúng. Đồ lễ cúng gồm: hai bát nước trắng nhỏ;  một bát nhỏ đựng thóc nếp khô đã dang chín; một cặp sừng cúng để sau mỗi lớp cúng, thầy cúng chính sẽ dùng để hỏi ý kiến các thần linh.

    Các thầy cúng mặc trang phục truyền thống của người Mông, ngồi xếp thành hàng ngang trên hai chiếc ghế đã được chuẩn bị trước, đầu đội một tấm khăn đen trùm kín mặt, tấm khăn được cố định trên đầu bằng một miếng vải nhỏ, dài, màu đỏ. Mỗi thầy cúng trên tay, cầm hai quả chuông cúng, mỗi quả chuông cúng đã được những người phụ giúp buộc thêm những mảnh vải đỏ.

    Để hỗ trợ các thầy cúng làm lễ, dòng họ chọn và cử một người phụ, ngồi gần các thầy cúng làm nhiệm vụ gõ chiêng cho 4 thầy cúng trong quá trình triệu tập âm binh. Đến lúc các âm binh đã được các thầy cúng triệu tập về đầy đủ, các thầy tiếp tục thực hiện các nghi lễ cúng để xua đuổi các thế lực đen tối, xấu xa không được nhũng nhiễu gây hại cho dòng họ.

    Tiếp đến là phần cúng cầu may mắn, cầu phúc, cầu an cho các gia đình trong dòng họ. Theo nội dung đã được phân công, các thầy cúng sẽ chia đều số hộ trong dòng họ để thực hiện nghi lễ cúng cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho các gia đình.

    Cuối cùng là nghi lễ đuổi “Su”, đây là nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ Dù su để xua đuổi, quét sạch những ma tà, ma xấu, để cho dòng họ không có đau thương và tất cả các thành viên trong dòng họ luôn có sức khỏe, may mắn trong cuộc sống.

    Sau khi thực hiện xong các nghi lễ trong Lễ Dù su, mọi người cùng nhau tập trung tại nhà trưởng họ liên hoan mừng thành công của lễ cúng. Trước khi mọi người vào mâm, đại diện các hộ gia đình trong họ đến quỳ lạy, tạ ơn trước các bậc cao niên, tiền bối của dòng họ và các thầy cúng. Sau đó, trưởng dòng họ hoặc người cao tuổi, có uy tín của dòng họ phát biểu, căn dặn mọi người trong nhà, trong họ chịu khó làm ăn, nuôi dạy con cháu biết giữ gìn truyền thống văn hóa của cha ông, của dòng họ. Đồng thời cũng biểu dương các gia đình tiêu biểu của dòng họ, làm ăn giỏi, có nhiều con cháu học hành cao, đỗ đạt, có tinh thần tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Mọi người vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ, chúc nhau mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.

    Lễ Dù su được diễn ra trong một ngày, buổi sáng đến trưa là các nghi thức lễ cúng, thời gian còn lại là dành cho liên hoan, giao lưu trong dòng họ. Sau khi thực hiện nghi lễ trong vòng ba ngày sau tất cả các thành viên trong dòng họ không được sử dụng lại các loại dao, liềm, dụng cụ lao động; cầm nỏ, súng... và kiêng không được đánh bắt cá, săn bắn thú rừng và giết mổ vật nuôi.

     Lễ cúng dòng họ là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời. Đây là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thể hiện sự gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau của cả dòng họ, thúc đẩy, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng làng, bản, xã. Đồng thời lễ cúng thể hiện quan niệm của người Mông về thế giới tâm linh, tín ngưỡng đa thần giáo và thể hiện quan niệm về gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản cũng như cố kết cộng đồng của người Mông ở Điện Biên. Duy trì lễ cúng dòng họ trong cộng đồng là góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, gắn kết cộng đồng, lưu giữ ngôn ngữ truyền thống của tộc người, bảo vệ và phát huy các tri thức bản địa.

    Với giá trị đặc biệt đó, Lễ cúng dòng họ người Mông, ngành Mông trắng Điện Biên đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia (theo quyết định số 1403/QĐ-BVHTTDL ngày 01/6/2023)./.

  • Tác giả: Mai Hoa