• Lễ hội Xên Mường Thanh
  • Thời gian đăng: 17/09/2020 10:19:51 AM
  • Theo lịch sử dân tộc Thái, Xên Mường Thanh là loại hình văn hóa dân gian bản địa và mang đậm bản sắc văn hoá tâm linh có từ thế kỷ thứ XIII, khi thủ lĩnh Lạn Chượng đặt chân lên vùng đất này. Xên Mường Thanh là lễ hội thể hiện lòng biết ơn đối với những người lập bản, dựng mường, bảo vệ bản làng; cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cuộc sống được ấm no, hạnh phúc.
  • IMG_4010.jpg

    Lễ đón nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh "Xên Mường Thanh"

    Lễ hội Xên Mường Thanh bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và từ thực tế lịch sử khai mở vùng đất mới của người Thái... Lễ hội không chỉ là chỗ dựa tinh thần của tạo mường, dòng tộc con cháu Lạn Chượng, mà còn có sự tham gia của cả cộng đồng thể hiện tình yêu đất nước, lòng biết ơn trời, đất đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, vạn vật tốt tươi, sức khỏe dồi dào; giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các bậc tiền nhân, khai sơn phá thạch, lập bản, dựng mường, các tướng lĩnh chống “ngoại xâm, nội phản”... giữ yên bản mường của những cư dân vùng biên cương Tổ quốc vào khoảng thế kỷ XII - XIII.

    Lễ hội Xên Mường Thanh trước đây có quy mô với 4 Chiềng, 7 Đông Xên, trong đó Chiềng Chăn là khu vực trung tâm có 4 Đông Xên bao gồm: Đông Xên Luông Vắng Ven là nơi thờ chung các thần linh trời - đất, các tướng lĩnh toàn mường; Đông Xên Pú Vắng là nơi thờ đồng bào đã bị giặc giết tập thể, lưu giữ chiến công bắt sống tướng giặc là Chẩu Phạ Tin Tóong thế kỷ 15; Đông Xên Hua Pe là nơi thờ thủ lĩnh Khun Pe - con trai Lạn Chượng; Đông Xên Lạn Chượng là nơi thờ Lạn Chượng - người đầu tiên lập nên Mường Thanh. Khu vực Chiềng Lé là nơi thờ Hoàng Công Chất, tướng Ngải, tướng Khanh và các tướng sỹ. Chiềng On là nơi thờ các tướng lĩnh, thủ lĩnh trong vùng. Chiềng Xôm là nơi thờ thủ lĩnh Khun Mứn - cháu của Lạn Chượng.

    Lễ hội Xên Mường Thanh được tổ chức liên tiếp đến năm 1953; đến năm 1959 được tổ chức lần nữa, đây là lần cuối cùng tổ chức xên Mường Thanh xưa. Theo lịch người Thái, Lễ hội Xên Mường Thanh được tổ chức vào tháng 8, 9 hàng năm tương ứng vào tháng 2 hoặc 3 âm lịch. Lễ hội diễn ra trong 5 ngày với nhiều nghi thức rất độc đáo. Mở đầu bằng đám rước từ nhà người đứng đầu mường với sự giúp sức của 2 phó mường ra Đông Xên (tức Rừng Thiêng) yết cáo xin tổ chức lễ hội, đóng cọc trụ mường, làm lễ hiến sinh, sau đó tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao truyền thống. Địa điểm tổ chức chính của Xên Mường Thanh được xem là nơi hội tụ nhiều yếu tố linh thiêng, như: Thế đất, thế sông suối, các cây cổ thụ…quan sát bao quát xung quanh có thể thấy chín khe suối cùng đổ về đây, tượng trưng cho chín con Rồng từ trên cao hướng về nơi tổ chức lễ hội, bên cạnh là dòng sông Nậm Rốm hiền hòa, uốn quanh mảnh đất thiêng. Người dân nơi đây quan niệm rằng đây là thế “cha sông, mẹ núi”, các vị thần linh sẽ phù hộ cho bản mường có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, bội thu.

    Di tích Xên Mường Thanh - Đông Xên Luông Vắng Ven (bản Nà Púng, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

    IMG_3989.jpg 

    Trình diễn Lễ hội Xên Mường Thanh trong lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh "Xên Mường Thanh"

     

  • Tác giả: Lưu Học