Thành ngữ Việt Nam có câu “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”. Với người Thái cũng vậy, đi qua những cuộc thiên di trong lịch sử, dân tộc Thái có mặt ở Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Ở Mường Lay, với phần lớn là đồng bào dân tộc Thái trắng sinh sống nên những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái trắng nơi đây nổi bật và đặc sắc hơn cả. Họ có nhiều kinh nghiệm đắp phai, đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng nên trong dân gian thường có câu "Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước". Từ bao đời nay, bà con gắn bó với sông nước và chèo thuyền là công việc thường ngày, trở thành thói quen và nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt và lao động sản xuất. Từ cuộc sống mưu sinh, chế ngự sự khắc nghiệt của dòng Đà giang hung dữ đến nay đã trở thành một hoạt động thể thao, vui chơi tập thể. Hội đua thuyền giữa các bản làng đầu xuân cũng bắt nguồn từ tập quán sinh sống đó và bên cạnh đó, không khí hội hè vui vẻ cũng khiến họ thêm lạc quan, yêu đời hơn.
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, từ chiến tranh tàn phá, cuộc sống mưu sinh vất vả đến công cuộc cải tạo đã có nhiều sự xáo trộn về chỗ ở, đồng thời cùng nằm trong xu thế chung là sự hòa nhập với văn hóa bên ngoài nên nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có đã bị mai một, trong đó có lễ hội đua thuyền. Nhưng vượt qua tất cả để giờ đây bên dòng sông Đà không còn hung dữ như xưa, có thể nói Mường Lay ngày nay là một trong những thị xã đẹp nhất cả nước. Khung cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc. Trên là núi, dưới mênh mang sông nước, những dãy phố nhà sàn vây quanh, soi bóng xuống lòng hồ trong xanh; những cây cầu khổng lồ vắt qua đôi bờ. Đời sống nhân dân từng bước ổn định, các nét đẹp trong văn hóa sông nước và thói quen gắn liền với những chiếc thuyền đang được hình thành trở lại đối với người dân nơi đây, những tiếng cười nói lại trở về rộn ràng cả một khúc sông.
Lễ hội đua thuyền đuôi én được phục dựng từ năm 2015 và đã trở thành một hoạt động thường niên thu hút sự quan tâm đông đảo của quần chúng nhân dân và du khách thập phương. Đến mỗi kỳ tổ chức Lễ hội, thủ tục đầu tiên và không thể thiếu là Lễ tế thần sông nước, cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên. Ven bờ sông - hồ, một mâm lễ lớn được dâng lên với đầu lợn, xôi tím, hương hoa, trái cây, rượu, gạo, muối, vải thô... Thầy cúng với hai người phụ tá và sáu thiếu nữ mặc trang phục truyền thống thật đẹp đã có mặt từ sáng sớm để làm lễ. Bài khấn có đoạn:
"Chẩu nặm chẩu đin ơi
Ha mự đảy mự mạt
Tắt chở đảy chở đi
Mở khỏi chẳng kếp má, ha đay
Mí nhu nhấu to chông, mí mu lôông to lỏng...".
Dịch nghĩa là:
"Hỡi các vị thần sông thần nước
Chọn ngày được, ngày sang
Chọn giờ được, giờ vàng
Giờ con đã sắm đủ lễ..
Mời thần dưới sông cổ vằn –
Mời thần trú ngụ nơi ngã ba sông
Hãy cùng nhau ăn rồi cùng nhau phù hộ..."
Thầy Mo làm lễ tế Thần Sông (ảnh sưu tầm)
Tham gia lễ hội không chỉ có bà con dân tộc ở Điện Biên mà còn có hàng ngàn, hàng vạn quần chúng nhân dân từ các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu,… cũng như khách du lịch thập phương đổ về tập trung dọc hai bên bờ Nậm Lay tham dự buổi lễ tế thần sông nước để thể hiện tấm lòng thành trước các vị thần đã che chở họ trong cuộc sống, đồng thời còn góp phần thắt chặt hơn nữa sợi dây đoàn kết của cộng đồng, làm cho tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.
Sau khi các nghi lễ kết thúc, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách và bà con tham gia. Nổi trội, gay cấn và thu hút nhất vẫn là hoạt động đua thuyền. Các đội đua đến từ các phường, xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Luông Pha Băng. Đến giờ đua, các thuyền đua về vị trí xuất phát theo quy định. Trống lệnh nổi lên, thuyền đua đồng loạt xé nước lao vun vút trong tiếng trống giục giã liên hồi và tiếng reo hò không ngớt của người xem làm vang động cả một vùng sông nước. Trên mỗi con thuyền gỗ dài thon thả, có cái đuôi chẽ đôi vểnh lên như đuôi én, 18 vận động viên trong trang phục truyền thống đồng loạt vung những mái chèo theo nhịp, đẩy chiếc thuyền lao nhanh về phía trước. Chặng đua bắt đầu từ bến cảng Cơ khí - Nậm Cản đến khu vực Bản Hốc. Chiều dài đường đua dài 1.000m. Mỗi khi một chiếc thuyền bứt phá vượt lên, cả vùng lòng hồ như bị rung động bởi tiếng reo vang cùng lúc của khán giả. Và cả khúc sông cứ huyên náo như vậy cho đến khi chặng đua kết thúc và tìm được đội thắng cuộc.
Người dân xem và cổ động các đội đua (ảnh sưu tầm)
Là một hoạt động thể thao mang tính tập thể, kết quả cuộc đua phụ thuộc vào sức mạnh từ tinh thần đoàn kết, sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, hài hòa giữa các thành viên trong đội. Bên cạnh đó, tinh thần cổ vũ của người xem cũng góp phần khích lệ không nhỏ đến sức mạnh của đội đua. Trong mỗi cuộc đua, tất cả các tay đua đều đem hết tài sức của mình để tranh đua thứ hạng sao cho thuyền của mình được về nhất. Dù thuyền nào về trước hay về sau theo quan niệm của người dân đều do các vị thần sắp đặt và dự đoán cho một năm mới được mùa, bản làng bình yên, mưa thuận gió hòa..
Bên cạnh hoạt động đua thuyền, còn có nhiều hoạt động khác cũng hấp dẫn và thu hút khách như: Chương trình văn nghệ với những tiết mục đặc sắc được chính bà con dân tộc biểu diễn như tiết mục múa khăn truyền thống của người Thái trắng; hoạt động thi đấu các môn thể thao dân tộc như: Tung còn, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo; các gian hàng trưng bày giới thiệu, quảng bá các mặt hàng như đồ thủ công truyền thống, sản phẩm mang tính văn hóa đặc trưng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Các gian hàng phong phú, đa dạng chủng loại sẽ được trao giải thưởng.
Đến với thị xã Mường Lay nhất là vào những ngày diễn ra Lễ hội đua thuyền đuôi én, du khách sẽ cảm nhận được không khí vừa yên bình của miền quê với những con người thật thà chất phác nhưng cũng được hòa mình vào không khí náo nhiệt trong cuộc đua tài. Vừa được thưởng thức một bức tranh sơn thủy hữu tình như chốn bồng lai, vừa được hòa mình vào cuộc sống ở đó. Thưởng thức và trải nghiệm. Đó sẽ một trải nghiệm không thể quên khi bạn đã đến với đua thuyền đuôi én Mường Lay.