1- Cá nướng (Pa pỉnh tộp)
Cá nướng
Người Thái có câu “cáy măn mọk má ha, báu to pa pỉnh tộp ma sú”, nghĩa là “gà tơ tần đem đến, không bằng pa pỉnh tộp đem cho” để thể hiện sự tinh tế và quan trọng món ăn này. Theo tiếng Thái, “pa” có nghĩa là cá. “Pa pỉnh tộp” được hiểu là món “cá nướng gập”, mô tả đúng hình dáng của món ăn. Cá nướng là một món ăn dễ làm, mang hương vị đặc trưng khó quên nhờ sự pha trộn khéo léo và hợp lý giữa các loại gia vị có sẵn.
Để làm món cá nướng đúng chuẩn, người Thái Đen chọn những con cá có trọng lượng từ 1-1,5 kg. Cá được mổ đằng lưng, bỏ ruột, để ráo nước, rồi xoa một lớp muối rang nổ vào bên trong cá. Hỗn hợp gia vị để tẩm ướp bao gồm: mắc khén (hay còn được gọi là hạt tiêu rừng), ớt tươi nướng nghiền nát, hành lá, rau thơm, rau mùi thái nhỏ. Tất cả trộn đều rồi nhồi vào bụng cá, để một lúc cho ngấm gia vị, rồi dùng tre nẹp cá nướng trên than hồng. Khi cá chín vàng, con cá được gỡ ra phải còn nguyên vẹn, không vỡ nát, dậy mùi thơm gia vị bên trong, khi ăn đậm vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, mắc khén, màu xanh của hành, rau thơm, lẫn màu vàng của da thịt cá.
2 - Gà nướng “Cáy pỉnh”
Bạn có thể thưởng thức gà nướng trong các bản du lịch cộng đồng ở Điện Biên
Gà sau khi được ướp ngấm gia vị, rau thơm đặc trưng của người dân địa phương thì được quấn lá sả bên ngoài và nướng trên than hồng. Khi gà chín da săn lại vàng giòn bên ngoài, ngọt bên trong, dậy mùi thơm của mắc khén. Đến Điện Biên được hòa mình trong thiên nhiên hoang sơ ngồi bên bếp lửa thưởng thức món gà nướng cùng nhâm nhi chén rượu là một trải nghiệm khó quên.
3 - Xôi nếp nương Điện Biên
Xôi ngũ sắc được làm từ những nếp nương Điện Biên
Nếp nương được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc nhưng nói đến loại nếp ngon nhất người ta thường nghĩ ngay đến nếp nương Điện Biên. Những hạt nếp nương căng tròn, khi đồ lên có độ sáng bóng vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Với các nguyên liệu tạo màu từ tự nhiên được lấy từ các loại lá, củ, quả,... tạo ra các màu đỏ, tím, vàng, xanh đẹp mắt, hấp dẫn. Điều làm nên sự khác biệt đó một phần nằm trong cách đồ xôi công phu. Xôi thường được đồ hai lần và phải đồ bằng chõ gỗ truyền thống. Đây cũng là một trong những điều hấp dẫn khi muốn khám phá những phương thức chế biến món ăn của đồng bào các dân tộc.
Người dân tộc Thái thường dùng xôi nếp nương chung với cá nướng, thịt lợn nướng… Khách du lịch khi đến Điện Biên thường mua những cóong xôi thơm ngon để mang đi đường ăn cho ấm bụng. Trong cái se se lạnh của vùng núi Tây Bắc, khách sẽ khó lòng quên được hương vị dẻo thơm, hấp dẫn của xôi nếp nương. Thích thú vô cùng khi bạn vo tròn từng nắm xôi trong tay, thưởng thức và khi xòe lòng bàn tay ra vẫn cảm thấy bàn tay mình sạch trơn, không có cảm giác dính.
4 - Gà đen hấp
Gà đen Tủa Chùa có hàm lượng dinh dưỡng cao
Gà đen có ở nhiều nơi xong gà đen Tủa Chùa khác hẳn với gà đen nơi khác bởi sự sinh tồn mãnh liệt của chúng. Đây là giống gà xương đen đặc hữu của đồng bào Mông. Gà đen ngủ cành cây, uống sương muối, ăn ngô răng ngựa và thóc lông đuôi. Có lẽ vì thế mà thịt gà đen Tủa Chùa ngọt, thơm, chắc, có hàm lượng glutamic và sắt cao gấp hai lần so với gà bình thường. Gà đen hấp là một món ăn vô cùng bổ dưỡng bởi trong quá trình hấp sẽ giữ lại được trọn vẹn vị ngọt của thịt, vị thơm ngon của các loại gia vị tẩm ướp.
5 - Rau ban
Nộm rau Ban
Đến với Điện Biên đặc biệt vào tháng 3, du khách sẽ được hòa mình vào không khí của Lễ hội và chiêm ngưỡng hoa Ban phủ trắng khắp đỉnh đèo, lưng núi và có thể được thưởng thức các món ăn từ hoa và lá Ban non qua những cách chế biến tài tình sẽ cho ra nhiều món ăn hấp dẫn như: Nộm rau Ban, Ban nộm củ riềng, Ban xào thịt, Ban nộm vừng,…Nếu đã một lần được ngồi bên bếp lửa thưởng thức món rau Ban, nghe kể về truyền thuyết hoa Ban chắc chắn sẽ đem lại cho du khách những cảm xúc thú vị.
6 - Măng đắng
Măng đắng là một loại đặc sản Điện Biên, Tây Bắc
Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ, măng đắng được chế biến thành rất nhiều món hấp dẫn như xào mẻ, luộc, nướng, hầm xương, nộm,.... Mỗi món ăn mang một hương vị riêng nhưng dù chế biến thế nào vẫn không lẫn đi đâu được vị ngọt đắng của cây măng rừng.
7-Thịt lợn băm gói lá nướng - Nhứa Phò
Thịt lợn băm gói lá nướng một món ăn đặc trưng của người Thái
Nguyên liệu chính để làm nên món ăn này là phần thịt lợn vai băm nhỏ sau đó ướp với các gia vị vừa đủ, để giữ được sự nguyên chất của thịt lợn. Thịt được gói trong nhiều lớp lá và nướng trên than hoa, người nướng phải thật khéo tay làm sao cho thịt chín đều, có màu vàng đặc trưng, lớp lá dong chỉ cháy khô bên ngoài. Mùi thơm của các gia vị hòa quyện cùng vị ngọt đậm đà của thịt làm nao lòng bao du khách.
8 - Canh bon
Món canh bon sau khi được chế biến
Canh bon là món ăn dân dã của đồng bào dân tộc Thái. Món canh bon được chế biến từ nhiều nguyên liệu trong đó có da trâu hoặc bò, dọc bon ngọt, cà dại cùng các loại rau thơm, gia vị. Qua bàn tay khéo léo của người dân đã tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn bởi sự thơm ngon, giòn của da trâu quyện với vị đắng nhẹ của cà, vị thơm của mắc khén, vị ấm nóng của sả.
9 - Thịt sấy khô - Nhứa Giảng
Thịt sấy, món ăn đặc sản của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên
Thịt sấy khô là một trong những món ăn đặc sản, yêu thích của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. Nguyên liệu để chế biến chủ yếu là thịt trâu, thịt lợn, thịt bò,... Thịt được ướp cho ngấm các gia vị, đây là khâu quan trọng sẽ tạo nên những hương vị riêng, sau đó sấy trên bếp củi, để xa cho thịt khô dần. Thịt vừa sấy xong có màu đỏ quyến rũ, từ những thanh thịt vẫn còn nóng hổi, hương thơm tỏa ra dậy mùi hương vị vùng cao, không chỉ đơn thuần là cái thơm của thịt mà có cả sự nồng nàn, ngất ngay của làn khói mỏng, đủ để dậy lên hương vị nguyên sơ của núi rừng Tây Bắc.