• Thịt trâu gác bếp – Hành trình trở thành món ăn đặc sản miền Tây Bắc
  • Thời gian đăng: 23/02/2023 10:01:55 AM
  • Món thịt trâu khô mà chúng ta vẫn quen gọi là thịt trâu gác bếp, có nguồn gốc xuất phát từ một cách chế biến món ăn rất sáng tạo của đồng bào dân tộc Thái. Nhưng thật ra, lên Tây Bắc hỏi “thịt trâu gác bếp” thì chỉ người Kinh mới biết, vì đồng bào người Thái ở đây gọi món này là “nhứa khoai giảng”, dịch ra tiếng phổ thông là “thịt trâu khô”.

    z4131065174526_31de6cb5023ce10ee5caf04082acdfb0.jpg

    Người Thái ngày xưa sống ở trong rừng sâu, gần nguồn nước. Họ rất giỏi việc săn bắn, đánh cá và hái lượm. Khi đi rừng về, họ mang những đồ săn bắn được thành các món ăn nhưng ăn tươi không hết hoặc chuyến đi săn kéo dài cả chục ngày không thể mang đồ tươi về bản được. Chính vì vậy, họ đã nghĩ ra một cách là sấy khô, bảo quản rồi mang về ăn dần. Món thịt gác bếp có rất nhiều loại từ thịt nai, thịt hươu, thịt lợn rừng và thịt trâu khô cũng ra đời theo cách như vậy.

    Khi săn bắn được nhiều con thú, trong đó có cả trâu rừng thì người Thái mới giữ lại thuần hóa chúng để nuôi. Những con trâu to khỏe dùng làm vật kéo gỗ từ trong rừng về làm nhà. Ngày đó trâu rất nhiều, gia đình nào cũng có cả đàn. Họ không đi chăn mà thả cho chúng vào rừng sâu, tự tìm thức ăn, nước uống. Cũng chính vì vậy mà thịt con nào con nấy rất chắc và thơm.

    Ban đầu thịt trâu khô được chế biến rất đơn giản, chỉ là những miếng thịt được cắt thành từng lát dày vừa phải và được sấy khô nhờ sức nóng của khói bếp. Qua thời gian, người Thái đã dần hoàn thiện cách chế biến món thịt trâu khô, từ một món ăn được chế biến để bảo quản thịt lâu dài thành một món ăn thơm ngon hấp dẫn không thể thiếu trong những dịp đãi khách đến nhà hay lễ tết.

    11230974_1652809871669371_5381163751167789632_n.jpg

    Thịt trâu được tuyển chọn từ những miếng thịt bắp và thăn của con trâu, được lọc bỏ gân để miếng thịt không bị dai, rồi đem đi ướp kỹ với các loại gia vị từ núi rừng Tây Bắc như tỏi, ớt khô, gừng... băm nhuyễn và đặc biệt không thể thiếu mắc khén, hạt dổi giã nhỏ. Sau khi đã ngấm đều gia vị, thịt được đem đi phơi nắng cho se lại trước khi gác bếp. Sức nóng của ngọn lửa và khói bếp thấm sâu vào từng miếng thịt làm chín, khô thịt.

    Với cách chế biến kỳ công, tỉ mỉ, thịt trâu gác bếp thành phẩm vẫn giữ được màu đỏ hồng tự nhiên của thịt, bên ngoài khô ráo, bên trong ngọt mềm, đậm vị cay tê từ các loại gia vị ướp và ám hương thơm từ khói bếp.

    Không chỉ là món ăn ngon, mà thịt trâu khô gác bếp còn là một nét văn hóa, mang đậm dấu ấn, hương vị cũng như phản ánh rõ nét phong tục của người Thái tại vùng Tây Bắc. Trải qua quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, món thịt trâu gác bếp dần trở nên phổ biến, trở thành món ăn yêu thích không chỉ của đồng bào dân tộc Thái, mà còn của người dân Điện Biên và của những du khách đã một lần thưởng thức món ăn độc đáo này. Những thương hiệu thịt trâu gác bếp mang chất lượng cao và hình thức đẹp mắt cũng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường như Thịt trâu gác bếp Chung Phước, Thịt gác bếp Song Phương, đem đến nhiều lựa chọn hơn tới du khách khi muốn mang thịt trâu gác bếp về làm quà cho người thân, bạn bè.

    12096258_913070748779599_6941307351966120334_n.jpg

    Nếu có dịp lên Điện Biên, hãy ngồi lại để thưởng thức món thịt trâu gác bếp và nghe đồng bào Thái kể lại những câu chuyện đầy thú vị xoay quanh cuộc sống dân dã nhưng cũng đầy màu sắc tại nơi đây nhé.

  • Tác giả: Hoàng Chung - Lưu Học