Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Nghệ thuật trình diễn dân gian múa của người Khơ Mú được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
  • Thời gian đăng: 13/03/2021 04:07:47 PM
  • Ngày 09/3/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 828/QĐ-BVHTTDL đưa “Nghệ thuật trình diễn dân gian múa của người Khơ Mú (thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng, huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Chà, huyện Nậm Pồ) tỉnh Điện Biên” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
  • V-i-u-T-ng-Pu-HBL-.jpg

    Vũ điệu Tăng Bu (ảnh Hải Biên Lê)

    Không biết từ bao giờ, người Khơ Mú đã cùng nhau sáng tạo nên những điệu múa gắn với lễ hội, gắn với đời sống sinh hoạt mà cộng động gọi là “tẹ” (nghĩa là múa) mang nội dung về sự đoàn kết, gắn bó, sự nỗ lực của con người trước thiên nhiên, về cuộc sống lao động, sản suất, vì sự ấm no của mỗi gia đình với cách thể hiện khỏe khắn, sôi động và lạc quan.

    Nghệ thuật múa của người Khơ Mú rất độc đáo, đặc trưng với các đạo cụ chủ yếu là ống tre, nứa. Âm nhạc sôi nổi, lôi cuốn, động tác quen thuộc, gần gũi với đời sống sinh hoạt thường ngày.

    Nh-y-s-p-HBL-.jpg

    Múa Sạp (ảnh Hải Biên Lê)

    Các điệu múa cơ bản để nhận diện được nghệ thuật trình diễn dân gian múa của người Khơ Mú đó là: Múa chiêng kết hợp với ống tre, ống nứa (Tẹ ôm đing); múa đánh đao (Tẹ tăm đao); múa sạp (Tẹ khiêp); múa chọc lỗ tra hạt (Tẹ chư mon); múa lắc eo (Tẹ cưn viết guông); múa cá lượn (Tẹ găn cạ); múa vòng tròn (Tẹ kưn vong do)… Nhiều đạo cụ được sử dụng trong múa đồng thời cũng là nhạc cụ tạo ra âm nhạc dẫn dắt người múa theo những nhịp điệu, tiết tấu riêng ví dụ như múa dỗ ống thì các ống tre được gõ xuống nền nhà hay mặt gỗ để tạo âm thanh, nhịp điệu. Một số điệu múa đặc trưng như: Ong eo là lắc hông, uốn eo, mô phỏng theo các động tác, cử chỉ lao động hàng ngày của người dân (gặt lúa, bẻ ngô, hái rau, nhổ cỏ, đơm tép, giặt giũ), thường diễn ra trong lễ tết, mừng cơm mới; múa cá lượn vào dịp vui; lễ sửa nhà với những động tác mô phỏng quẫy đuôi, chuyển động của loài cá; múa chọc lỗ tra hạt đúng như cái tên của nó, nam vừa nhún nhảy vừa dùng cây gậy chọc lỗ trên mặt đất, nữ vừa tra hạt giống vừa tiến, chân gạt nhẹ lấp đất….

    Các điệu múa thể hiện cuộc sống lao động sản xuất, các động tác múa của người Khơ Mú thường nhanh, mạnh, khỏe khoắn, dứt khoát, sôi động và lạc quan. Khi tiếng chiêng đánh càng khỏe, càng nhanh thì các đạo cụ cầm tay của người múa như ống tre dỗ xuống đất càng mạnh, nhịp múa càng hối hả, tạo nên không khí rạo rực, lôi cuốn mọi người hòa chung vào điệu múa.

    M-a-kh-m-.jpg

    Các điệu múa của người Khơ Mú gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước mong về sức khỏe, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa (ảnh Hải Biên Lê)

    Các điệu múa của người Khơ Mú gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước mong về sức khỏe, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Thông qua các động tác, âm nhạc, người Khơ Mú thúc giục, động viên nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gắn bó ruộng nương, yêu lao động sản xuất. Ðồng thời cũng thể hiện khát vọng tình yêu đôi lứa, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng. Với tính nhân văn, giàu ý nghĩa, cùng sự khác biệt, đặc sắc, nghệ thuật múa truyền thống của người Khơ Mú tỉnh Điện Biên đã bổ sung, làm phong phú tiềm năng du lịch văn hóa tỉnh Điện Biên./.

  • Tác giả: Biên Thùy