Khách du lịch tham quan Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng
Phát triển sớm nhưng chưa bứt phá
Nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, tỉnh Điện Biên với diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, có đường biên giới dài 455,572 km, là tỉnh duy nhất của Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với 2 quốc gia (nước CHND Trung Hoa và nước CHDCND Lào). Trong phiên âm tiếng Hán “Điện”: Có nghĩa là vững chắc; “Biên” có nghĩa là vùng biên cương; Điện Biên có nghĩa là vùng biên cương vững chắc.
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên hiện có 31 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 01 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh; 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nghệ thuật Xòe Thái và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điện Biên là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, non nước hữu tình; lịch sử hào hùng; người dân thân thiện, hiếu khách; bản sắc văn hóa đa dạng; ẩm thực phong phú.
Trong khu vực Tây Bắc, Điện Biên là tỉnh duy nhất có cảng hàng không kết nối với 2 trung tâm du lịch lớn nhất của Việt Nam là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cảng hàng không Điện Biên vừa được nâng cấp, mở rộng đủ điều kiện cho máy bay A321 hoạt động, hệ thống giao thông đường bộ với các tỉnh trong khu vực đang được quan tâm đầu tư, mở rộng... Đây là những yếu tố quan trọng để tỉnh Điện Biên thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Nổi bật nhất của Điện Biên là tài nguyên du lịch lịch sử, tâm linh. Từ rất lâu, tỉnh Điện Biên đã nổi tiếng với loại hình du lịch này nhờ có Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, gắn với chiến thắng “Lừng năm lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ vừa được xây dựng bề thế và trang nghiêm; Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng; đền Hoàng Công Chất… các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao…
Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc, chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, riêng có, hấp dẫn về phong tục tập quán, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển trở thành nét văn hóa đặc trưng như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội đền Hoàng Công Chất, Lễ hội Đua thuyền Đuôi Én, các lễ hội, tết truyền thống của đồng bào dân tộc người Thái, Mông, Lào, Hà Nhì…
19 dân tộc anh em sinh sống ở Điện Biên tạo nên sắc màu văn hoá truyền thống độc đáo, hấp dẫn
Tài nguyên du lịch sinh thái phong phú giúp Điện Biên khai thác mạnh mẽ các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, như: Nghiên cứu hệ sinh thái hồ Pá Khoang, khám phá Đảo hoa Anh đào, Rừng di tích lịch sử Mường Phăng, đèo Pha Đin huyền thoại, chinh phục A Pa Chải - điểm Cực Tây của Việt Nam - Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cao nguyên đá và hệ thống hang động tại huyện Tủa Chùa, Điện Biên; các điểm nước khoáng nóng, tinh khiết với trữ lượng lớn như Pe Luông, Uva …
Đến Điện Biên, du khách không chỉ được khám phá những địa danh lịch sử nổi tiếng, hoà mình vào cảnh quan tươi đẹp vùng Tây Bắc mà còn được thưởng thức cả những đặc sản Điện Biên vô cùng hấp dẫn khác. Nhiều khách du lịch còn cho rằng Điện Biên có những món ăn vừa lạ vừa ngon không thể cưỡng nổi như: Thịt trâu gác bếp; chè Tuyết Tủa Chùa; gà nướng mắc khén; Pa pỉnh tộp (cá nướng của người Thái); rêu đá; thịt lợn xay hấp lá chuối; vịt om hoa chuối; xôi nếp nương Điện Biên; gạo Điện Biên; chẩm chéo; canh bon, bánh khẩu xén, xôi chim, bắp cải cuốn nhót xanh, măng đắng, sâu chít,...
Tài nguyên tự nhiên và văn hoá phong phú là những điều kiện rất thuận lợi để Điện Biên phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe; du lịch thể thao…
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có: 205 cơ sở lưu trú du lịch (2.765 phòng, với trên 5.000 giường); trong đó khu vực thành phố Điện Biên Phủ và phụ cận có trên 120 cơ sở lưu trú (1.850 giường, với 3.400 giường).
Năm 2023, tỉnh Điện Biên lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 107% kế hoạch năm; trong đó du khách quốc tế đạt 7.500 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 1.700 tỉ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2022; số ngày lưu trú bình quân của du khách cũng tăng lên ước đạt gần 3 ngày.
Việc cán mốc 1 triệu khách du lịch và tổ chức nhiều hoạt động quảng bá vào những tháng cuối năm 2023 như: Tuần văn hóa, du lịch Điện Biên tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… sẽ tạo đà tăng trưởng vững chắc cho ngành Du lịch trong Năm du lịch quốc gia - Điện Biên 2024.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là điểm tham quan ý nghĩa khi tới Điện Biên
Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đón 1,3 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.200 tỉ đồng. Thúc đẩy triển khai đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang và các khu, điểm du lịch. Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống cho Nhân dân; bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần xây dựng tỉnh Điện Biên thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Tây Bắc.
Điện Biên có nguồn tài nguyên cực kỳ phong phú, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều cảnh quan hùng vĩ, văn hoá đặc sắc, hấp dẫn du khách. Giao thông thuận tiện, dễ dàng kết nối với các địa phương trong khu vực Tây Bắc và các tỉnh thành khác trong cả nước. Có thể khẳng định, việc liên kết, phát triển du lịch ở Điện Biên là rất khả quan.
Điện Biên với vùng đất Điện Biên Phủ vang danh một thời, từ cách đây hàng mấy thập kỷ đã có sức hút mạnh mẽ với khách quốc tế, đặc biệt là khách Pháp. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, nhiều năm gần đây, Điện Biên lại chưa thể đột phá trong phát triển du lịch. Điện Biên cũng chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình để đưa du lịch tiến những bước xa hơn trong tương lai.
Có thể thấy, du lịch Điện Biên vẫn còn các hạn chế, tồn tại và chưa thể có sự bứt phá mạnh mẽ vì sản phẩm chủ yếu vẫn chỉ là du lịch lịch sử tâm linh, du lịch sinh thái và việc khai thác du lịch vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các tài nguyên thiên nhiên có sẵn, những sản phẩm quá quen thuộc.
Công tác xây dựng sản phẩm du lịch chưa được chú trọng, đầu tư xứng tầm, chưa có sự sáng tạo nên dẫn đến sự đơn điệu, thiếu tính hấp dẫn theo xu thế thời đại và trùng lặp ở nhiều địa phương. Hệ thống dịch vụ nghèo nàn, chưa có nhiều cơ sở đạt tiêu chuẩn cao đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Đặc biệt, hoạt động liên kết phát triển du lịch, nghiên cứu xây dựng sản phẩm đặc thù, hợp tác xúc tiến quảng bá còn chưa chặt chẽ, thiết thực vì thế, năng lực cạnh tranh chưa cao và không phát huy được hết lợi thế về tài nguyên để phát triển du lịch một cách hiệu quả.
Dòng sản phẩm chủ yếu của Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc tập trung vào loại hình du lịch về nguồn, du lịch lịch sử tâm linh; du lịch văn hoá; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khoẻ...
Hình thành liên minh bán sản phẩm du lịch Điện Biên
Thời gian tới, Điện Biên cần có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy liên kết, phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và tạo được dấu ấn riêng, khác biệt so với các địa phương khác, đặc biệt khai thác, giới thiệu văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Ngoài ra, việc liên kết, phát triển du lịch Điện Biên cần thể hiện rõ hơn vai trò quan trọng trong việc mở rộng liên kết giữa Điện Biên và các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc và cả nước, tạo dấu ấn thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Qua việc nghiên cứu thị trường du lịch trong và ngoài nước, tìm hiểu về tiềm năng, lợi thế phát triển của địa phương, chúng tôi đề xuất triển khai các đường tour như: TP.HCM/Hà Nội - Điện Biên - Nậm Pồ - A Pa Chải - Mường Nhé - Điện Biên - TP.HCM/ Hà Nội, 4 ngày 3 đêm, đường hàng không; TP.HCM/Hà Nội - Điện Biên Phủ- Mường Phăng- TP.HCM/Hà Nội, 3 ngày 2 đêm, đường hàng không; TP.HCM/Hà Nội- Điện Biên Phủ- Cửa khẩu Tây Trang, Hồ Pá Khoang, cánh đồng Mường Thanh- Điện Biên Phủ- TP.HCM/Hà Nội, 3 ngày 2 đêm, đường hàng không; Hà Nội- Điện Biên Phủ- Tủa Chùa- chợ phiên Tả Sìn Thàng- Sín Chải- Điện Biên Phủ- Hà Nội, 4 ngày 3 đêm, đường bộ; TP.HCM- Điện Biên- Mộc Châu- Điện Biên- TP.HCM, 4 ngày 3 đêm, đường hàng không; Hà Nội- Mộc Châu- Điện Biên Phủ- Mường Phăng- Lai Châu- Sa Pa- Hà Nội, 5 ngày 4 đêm, đường bộ; TP.HCM- Hà Nội - Mai Châu - Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sapa - Hà Nội- TP.HCM, 6 ngày 5 đêm, đường bộ và đường hàng không…
Dòng sản phẩm chủ yếu của Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc tập trung vào loại hình du lịch về nguồn, du lịch lịch sử tâm linh; du lịch văn hoá; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khoẻ...
Cần sớm hình thành liên minh bán sản phẩm, đưa khách tới Điện Biên
Để khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch Điện Biên; kết nối Điện Biên với các địa phương vùng Tây Bắc, cần đẩy mạnh tăng cường liên kết, phối hợp liên ngành, thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương; từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Điện Biên.
Hình thành liên minh bán sản phẩm, đưa khách tới Điện Biên. Việc liên kết, phát triển du lịch của Điện Biên cần sự tham gia của nhiều bên, giữa Điện Biên với các tỉnh trong khu vực và các địa phương trên cả nước; giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; giữa chính quyền, người dân, các chuyên gia và doanh nghiệp… với tinh thần trách nhiệm, tầm nhìn và sự sáng tạo.
Nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm mới, mở rộng các vùng hoạt động, dịch vụ về đêm để gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách, khách sẽ lưu trú lại địa phương lâu hơn. Xây dựng thêm một số dịch vụ phụ trợ như điểm mua sắm sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương; các điểm dừng chân để du khách có chỗ nghỉ ngơi, mua sắm. Điện Biên cũng cần đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ để tạo tính đồng bộ trong sản phẩm du lịch, nâng cao giá trị điểm đến và chất lượng sản phẩm du lịch.
Thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát du lịch với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, đại diện các cơ quan báo chí, chuyên gia du lịch; tham gia các chương trình roadshow, hội chợ du lịch, quảng bá du lịch ở trong nước và nước ngoài để quảng bá hình ảnh du lịch Điện Biên tới các thị trường khách trọng điểm, thị trường mới.
Đẩy mạnh việc mở rộng liên kết giao thông với các tỉnh trong vùng Tây Bắc và các vùng khác nhằm góp phần tạo thuận lợi trong giao thương, di chuyển của du khách… Tạo điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng xây dựng tour liên kết với các địa phương trong vùng. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, xúc tiến để nhanh chóng tiếp cận với khách trong thời đại công nghệ 4.0.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực hoạt động trong loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Mỗi người dân Điện Biên hãy là một đại sứ để quảng bá văn hóa, ẩm thực, lễ hội, thể hiện nét đặc trưng của người dân bản địa với sự thân thiện, hiếu khách đến với du khách trong nước và quốc tế.
Hơn hết, Điện Biên cần thay đổi nhận thức về phát triển du lịch trong các cấp ngành, toàn xã hội. Tập trung nguồn lực để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV và phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trong thời gian tới, Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.