• Tháng 7 tri ân những anh hùng liệt sĩ trên mảnh đất Điện Biên Phủ
  • Thời gian đăng: 23/07/2020 04:01:17 PM
  • Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 08 nghĩa trang liệt sĩ, bao gồm: Nghĩa trang liệt sĩ A1, Nghĩa trang liệt sĩ Him Lam, Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao, Nghĩa trang liệt sĩ Độc lập, Nghĩa trang liệt sĩ B142, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tuần Giáo, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tủa Chùa và Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Mường Lay. Các nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Điện Biên như một minh chứng hào hùng về một thời máu lửa, nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau ghi nhớ về những chiến công, sự gian khổ, hy sinh của cha ông để giành lại độc lập tự do.
  • 1-Nghia-trang-A1-Anh-Tu-n.jpg

    Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1

    Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1: Nằm bên cạnh Di tích đồi A1. Mặt trước có kết cấu tường bao xung quanh cao 6m, dài 120m, chính giữa tường thành có một lễ đài cao 16m với điểm nhấn là quả chuông đồng phục vụ các lễ viếng. Mặt trước tường thành được đắp nổi 2 cụm phù điêu: Một cụm thể hiện 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ, một cụm thể hiện 09 năm kháng chiến trường kỳ. Mặt trong là bảng vàng ghi danh các anh hùng liệt sĩ. Phía trước Nghĩa trang có quảng trường rộng để tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng.

    Nghĩa trang liệt sĩ A1 có 644 phần mộ của các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó phần lớn các ngôi mộ chưa xác định được tên. Từ khi được xây dựng đến nay, Nghĩa trang luôn được quan tâm trông nom, chăm sóc, bảo vệ cẩn thận. Không gian Nghĩa trang rất yên tĩnh, không khí trong lành, sạch, đẹp. Hàng ngày, Nghĩa trang mở cửa từ sáng đến chiều tối để đón nhân dân, du khách và thân nhân của các anh hùng liệt sĩ viếng thăm, tri ân.  

    4-ngh-a-trang-Him-Lam.jpg

    Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Him Lam

    Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Him Lam: Thuộc tổ 16, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 800 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

    3-nghia-trang-c-l-p.jpg

    Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Độc Lập

    Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Độc Lập: Thuộc đội 18, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Đây là nơi yên nghỉ của trên 2.400 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

    2-Ngh-a-trang-t-ngk-hao.jpg

    Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Tông Khao

    Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao: Có diện tích 2,512 ha, được xây dựng năm 1982 và được đầu tư, nâng cấp, mở rộng năm 2010, là nơi yên nghỉ của trên 2.000 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất bạn Lào, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

    Nghĩa trang liệt sỹ TNXP B142: Thuộc bản Na Hai, xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Đây là nơi yên nghỉ của gần 60 liệt sỹ và 14 tử sỹ thuộc Ban 64 (tiền thân của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 hy sinh từ năm 1966 - 1987). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước “giúp bạn chính là giúp mình”, thế hệ thanh niên xung phong của Ban 64 ngày ấy làm nhiệm vụ mở những cung đường quanh co đèo dốc hiểm trở giữa những dãy núi trùng điệp từ Tây Trang đến bến phà Mường Khoa, đảm bảo thông suốt phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ của hai nước Việt Nam - Lào và xây dựng một số công trình giao thông tại nước bạn Lào.

    Nghĩa trang liệt sĩ Tuần Giáo: Là nơi yên nghỉ của hơn 100 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

    Nghĩa trang liệt sĩ Tủa Chùa: Là nơi yên nghỉ của gần 50 liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

    Nghĩa trang liệt sĩ Thị xã Mường Lay: Là nơi yên nghỉ của gần 20 liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

    Bên cạnh các nghĩa trang liệt sỹ, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 03 nghĩa trang là nơi an nghỉ của các Thanh niên xung phong như: Nghĩa trang Liệt sĩ Na Hai; Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP công trường 426, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên; Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP Đại thuỷ nông Nậm Rốm, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ.

    Các công trình nghĩa trang liệt sĩ tại tỉnh Điện Biên đã góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hoá Việt. Là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nơi đây đã trở thành chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là trường học nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước và giáo dục trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ xây dựng đất nước.

     

     “…Hỡi các chị các anh trên chiến trường ngã xuống

    Máu của các chị, các anh không uổng

    Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam

    Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng…”

                                                         Thơ Tố Hữu

  • Tác giả: Lưu Học, ảnh CTV