• Cuộc sống của đồng bào Điện Biên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
  • Thời gian đăng: 25/02/2021 03:25:45 PM
  • Năm 1953, quân đội Pháp chiếm đóng và biến Điện Biên Phủ trở thành Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Bên cạnh việc chi viện và đầu tư của Mỹ bằng vận chuyển hàng không từ Hà Nội và Hải Phòng, lính đồn trú Pháp không ngừng bóc lột, vơ vét và bắt người dân bản địa đi lính khiến cuộc sống đồng bào dân tộc nơi đây rơi vào cảnh lầm than, khổ cực.
  • dong-bao-cac-dan-toc-tay-bac-voi-chien-thang-lich-su-dien-bien-phu.jpg

    Chiến dịch Điện Biên Phủ có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ảnh: VOV

    Sau khi nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh phì nhiêu, màu mỡ, vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc đang độ lúa chín vàng. Lính Pháp, dựa vào đông người, có vũ khí không cho người dân lấy thóc ngoài ruộng về. Thóc lúa của bà con chất đống ngoài đồng, chúng đập ra, lấy rơm để đắp công sự, hầm hào, lô cốt, còn thóc chúng dùng để lót hầm làm giường nằm, chỗ nào không kịp thu mang về chúng tưới xăng đốt. Chỗ nào chưa kịp gặt, chúng phá hoại hoặc cho xe tăng quần nát. Người dân khổ cực làm cật lực quanh năm, đến khi thu hoạch lại chỉ biết nhìn quân Pháp phá hoại, cướp bóc trắng trợn mà không làm gì được.

    Giặc còn triệt để phá hoại cuộc sống của nhân dân. Gia súc gia cầm đều bị giết hại, xác chết la liệt, ngổn ngang. Cây trái của bà con trồng lâu năm như cam, quýt đều bị chặt đến tận gốc, những cây thân gỗ to bị lấy lát trần hầm, bên cạnh đó, quân Pháp còn phá, dỡ nhà của dân để lấy vật liệu làm đồn bốt.

    Để dễ bề kiểm soát, quân Pháp đã bắt người dân gom lại thành 04 trại tập trung gồm: Trại tập trung Ta Pô (bao gồm dân ở Thanh Nưa, Thanh Luông); trại tập trung Pa Luống (gồm dân khu vực các xã Thanh Minh, Thị trấn (nay là phường Nam Thanh); Trại tập trung Co Mỵ (gồm dân các xã Thanh Yên, Thanh Chăn) và Trại tập trung Noong Nhai (gồm dân các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống). Quân Pháp xây dựng bộ máy quản lý nghiêm ngặt, tổ chức thành tạo bản, dân vệ và mật thám, phân công mỗi đơn vị lính địa phương phụ trách một trại tập trung. Cuộc sống của nhân dân trong các trại tập trung không khác gì sống trong địa ngục, thanh niên trai tráng bị bắt đi lính cho Pháp, số còn lại hầu hết là đàn bà, trẻ em và các cụ già yếu, hằng ngày phải xuống hầm trú ẩn không cho liên lạc với bộ đội. Phụ nữ bị lột hết vòng bạc, khuy áo bạc, ngày đêm bị lính đồn trú hãm hại; trẻ nhỏ 10 tuổi cũng phải lao động cật lực không khác gì người lớn, những bé trai lớn hơn cũng bị đi phu. Chỗ ở chật chội, vệ sinh phòng bệnh kém, ngủ không có màn che, thực phẩm chủ yếu là rau ruộng xung quanh, nước uống chủ yếu dùng nước sông Nậm Rốm nên bệnh dịch phát triển lây lan ngày nào cũng có người ốm, người chết. Pháp lo sợ người dân thoát ra được sẽ đi theo Việt Minh nên ra sức đàn áp, hành hạ. Bản mường, ruộng nương, của cải bị cướp bóc hết, người thân bị bắt đi lính, bị hãm hiếp, hành hạ đến cùng kiệt khiến cho đời sống của đồng bào lầm than, cơ cực.

    Khi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đang ở giai đoạn ác liệt, giữa đợt tấn công thứ 2, đứng trước nguy cơ bị thất bại hoàn toàn tại Điện Biên Phủ; 14 giờ ngày 25/4/1954, Đờ Cát ngang nhiên cho 4 máy bay Dakota chở hàng trăm bom sát thương và bom Napan từ phía Nam lên ném bom xuống trại tập trung Noong Nhai trong lúc nhân dân đang tập trung để đưa một đám tang. Số người bị sát hại ngày 25/4/1954 ở Noong Nhai là 444 người phần lớn là phụ nữ và trẻ em, có gia đình chết đến 21 người, một số gia đình không còn một ai. Những người sống sót chạy sang tạm trú ở trại tập trung Co Mỵ và bản Ten, một số theo bộ đội vào vùng giải phóng còn phần lớn vẫn ở lại trại tập trung Noong Nhai.

    Tuy nhiên, vượt lên trên mọi khó khăn, đói khổ, nhân dân các dân tộc ở Điện Biên khi biết bộ đội đến đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, nên đồng bào sẵn sàng "đói hơn", vất vả hơn để nhường lương thực cho bộ đội. Được sự giúp đỡ, hướng dẫn của dân công miền xuôi và bộ đội, người dân bản địa đã biết giã thóc bằng cối thay vì bằng sức nước như trước, công việc giã thóc đỡ vất vả hơn, đem lại năng xuất cao hơn, bà con thêm phấn khởi. Không ít gia đình đồng bào Thái ở những bản làng lân cận đã tản cư vào gần khu vực bộ đội đóng quân, tiện cho việc cung cấp lương thực, phục vụ chiến đấu hoặc đi dân công.

    Ngày 7/5/1954, Điện Biên Phủ được giải phóng, nhân dân ở các trại tập trung được trở về bản cũ, vừa vui mừng, vừa buồn tủi. Vui vì được giải phóng, được sống tự do thoát khỏi ách kìm kẹp của giặc Pháp, nhưng sự tàn khốc của chiến tranh đã để lại bao đau thương. Chiến thắng Điện Biên Phủ là tiếng vang lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến thần thánh chống Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của nhân dân ta; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám. Sau chiến dịch, nhà cửa, bản mường của đồng bào bị đốt cháy, tiêu điều xơ xác, đồng ruộng hoang tàn chằng chịt bom mìn và dây thép gai. Để khắc phục khó khăn, nhân dân các dân tộc Điện Biên đã đoàn kết, đùm bọc nhau bắt tay vào xây dựng lại bản làng với sự giúp đỡ của bộ đội, cuộc sống mới dần dần được ổn định.

    Ngày nay các địa điểm bản làng bị thực dân Pháp tàn phá năm xưa đã thay da đổi thịt bằng một màu xanh của hy vọng và thịnh vượng, bản làng khang trang cuộc sống nhân dân ấm no, bà con đoàn kết sản xuất, đưa đời sống ngày một nâng cao, các nhà hàng, homestay được đầu tư phục vụ khách du lịch, thông qua việc đón các đoàn khách tham quan trải nghiệm để giới thiệu những nét đẹp trong văn  hóa, lối sống của dân tộc mình./.

  • Tác giả: Ngọc Linh