• Tượng đài tại Công viên chiến thắng Mường Phăng
  • Thời gian đăng: 26/12/2019 09:21:47 AM
  • Nằm cách Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng 300m về phía Đông Bắc là địa điểm quân và dân ta long trọng tổ chức lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 13/5/1954. Trong Dự án tôn tạo Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ đã thực hiện ý tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quy hoạch thành khuôn viên trên nền bãi duyệt binh cũ và đặt một cụm Tượng đài nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

    M-ng-c-ng.jpg

    Lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 13/5/1954

    Cùng với di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cụm Tượng đài tại Công viên chiến thắng Mường Phăng là điểm dừng chân quan trọng trong tour du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang - Mường Phăng. Người dân địa phương thường gọi nơi này với cái tên thân thiết “Tượng đài mừng công”.

    Tác giả Trịnh Thế Hội đã nghiên cứu tài liệu và hai lần đi thực tế tại Điện Biên để tận mắt ngắm nhìn không gian và từ đó có tư duy bố cục Tượng đài. Trong quá trình xây dựng Tượng đài chiến thắng Mường Phăng, nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan từ trung ương đến địa phương và các tướng lĩnh đã tham gia, đóng góp ý kiến, đặc biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hai lần tham gia góp ý.

    T-ng-i-CTMP.jpg

    Tượng đài tại Công viên chiến thắng Mường Phăng

    Cụm tượng được ghép từ 102 tấm đá xanh Thanh Hóa, khởi công lắp đặt ngày 05/01/2008, khánh thành vào tháng 3/2009. Cụm tượng nặng 700 tấn với chiều cao 9,8m, rộng 6m, dài 15,58m; cấu trúc của cụm tượng đài gồm 25 nhân vật cao bình quân 2,7m (13 nhân vật toàn thân, 12 nhân vật bán thân) đại diện các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng 6 lá cờ, trong đó có 5 lá cờ nhỏ cao 7m, thể hiện 5 đại đoàn tham gia chiến dịch: đại đoàn 312, 316, 308, 304, 351; 1 lá cờ lớn ở giữa là lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cao 9m, dưới lá cờ có bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trang trọng ở chính giữa đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bên là Đại tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ (bên phải) và đồng chí Lò Văn Hặc, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu (bên trái). Ngoài ra, các hình tượng khác tượng trưng các binh chủng đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như: pháo binh, bộ binh, công binh, thông tin, quân y, cao xạ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, mỗi người một vẻ trông thật hoành tráng, đó còn là những tấm gương về đức hy sinh, lòng quả cảm và tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh vì nền độc lập tự do của tổ quốc. Khối cây rừng và vũ khí, khối bệ tượng có tạo hình nghệ thuật, bệ tượng cao 1,25m, rộng 3m, dài 16,4m. Phía sau tượng là xe tăng, pháo cao xạ, toát lên hình ảnh chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta.

    Nhóm tượng thể hiện mối quan hệ tổng hòa, vị trí trung tâm là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch, các nhân vật xung quanh hướng vào giữa, hội tụ các đại biểu ưu tú của các đơn vị, thể hiện tướng sĩ một lòng, quân dân một ý chí. Đồng chí Lò Văn Hặc, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu, người dân tộc Thái, sớm đi theo cách mạng, vinh dự được đứng bên cạnh Đại tướng, thể hiện tình quân dân bền chặt, gắn bó.

    Tượng đài tại Công viên chiến thắng Mường Phăng là công trình văn hóa, lịch sử thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho đất nước, cho hạnh phúc của nhân dân.

  • Tác giả: Ngọc Linh
  • Nguồn tin: ảnh sưu tầm