• Say Mông Pê - say đất, say tình, say người vùng cao
  • Thời gian đăng: 14/11/2019 04:06:39 PM
  • Say Mông Pê  - say đất, say tình, say người vùng cao

    “Đường xa lắm, vợ ta còn say lắm
    Uống rượu thì say thôi, ta cõng vợ về
    Ta không cõng ta sợ thằng khác cõng
    Ta cũng say ta cõng vợ ta say

    ...

    Ừ đợi nhé, tuần trăng sau xuống núi
    Tuần trăng sau phiên chợ lại có rồi
    Đợi khi đó ta say thì vợ cõng
    Chân của chồng thành chân vợ... thế thôi”

     

    (Bài thơ: Cõng vợ, tác giả: Nhà báo Nguyễn Quang Vinh)

             

              Ai đã từng một lần đến Tủa Chùa chắc hẳn đã từng nghe câu  "Rượu Mông pê, dê núi đá, cá sông Đà, gà xương đen, chè Tủa Chùa" để nói đến đặc sản nổi tiếng của Tủa Chùa. Bài thơ Cõng vợ của nhà báo Nguyễn Quang Vinh đã làm ta liên tưởng đến đôi vợ chồng người Mông đi phiên chợ vùng cao và với những bát rượu mông pê đã làm cho cô vợ say để anh chồng phải cõng. Đây chính là nét đẹp vùng cao của đồng bào dân tộc Mông Điện Biên nói chung và đồng bào Mông vùng cao huyện Tủa Chùa nói riêng.

     n-u-c-m-ng-.jpg

    Công đoạn nấu ngô để làm rượu

              “Mông pê” dịch ra tiếng phổ thông là người Mông ta, rượu Mông pê là rượu của người Mông ta. Tuy mang cái tên như vậy song rượu Mông pê chỉ do đồng bào Mông Tủa Chùa chế biến, và nấu tại chính nơi đây mới có được thứ rượu này mà có đem đi đâu ngoài Tủa Chùa cũng nguyên vật liệu ấy cũng không thể có thứ rượu mông pê đặc trưng đó. Rượu có thể được nấu ra từ gạo, ngô, sắn, thậm chí là từ cám trấu, từ vỏ sắn, từ ruột cây, thịt quả rừng nhưng người Mông Tủa Chùa chỉ nấu bằng ngô, còn "Pê" là ba là số đếm của người Mông nghĩa là rượu nấu chôn 3 năm. Từ hàng trăm năm nay, rượu Mông Pê trên cao nguyên đá Tủa Chùa được sản xuất chủ yếu ở khu vực phía Bắc huyện như: Sính Phình, Tả Phìn, Lao Xả Phình, Tả Sìn Thàng, Sín Chải.

    n-u-r-u.jpg 

    Ảnh nấu rượu

              Để làm ra được Rượu mông pê là cả một quy trình rất cầu kì và phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nước, hạt ngô, men lá, dụng cụ nấu rượu và một phần không thể thiếu là kinh nghiệm lâu năm từ đời này truyền sang đời khác cảu Người Mông nơi đây. Quy trình nấu phải bao gồm từ khâu tuyển chọn từ những hạt ngô nếp đầu mùa sau đó cơm ngô được hấp cách thủy chứ không nấu thông thường.Men được làm từ loại thảo dược của núi rừng. Rượu được ủ trong các hố sâu dưới lòng đất, nện chặt lá chuối 100 ngày mới đem ra nấu. Nước nấu rượu là thứ nước được hứng từ giọt trên khe núi đá, rượu được nấu trong nồi lớn, dụng cụ chưng cất bằng tre nứa nên giữ được hương vị đặc trưng của nó. Và kết quả một thứ rượu có màu vàng sóng sánh như mật ong non, có mùi thơm ngọt đầu lưỡi tê tê, mát thanh trong cổ họng, rượu nguyên chất nên rất nặng nhanh say nhưng vẫn có cảm giác dịu êm có uống bao nhiêu cũng chẳng đau đầu.

    r-u-12.jpg

    Rượu ngô thành phẩm

              Vậy nếu đến Tủa Chùa mà bạn chưa từng nếm thử qua Rượu Mông Pê "vậy còn gì là sự sung sướng của thú vui tao nhã đời trai nữa" một câu nói thú vị của một du khách từng lên với Tủa Chùa.

    u-ng-r-u-ch-phi-n.png

    Uống rượu ở chợ Phiên

              Mùa Xuân sắp đến rồi hãy xách ba lô và mời bạn hãy lên Tủa Chùa quê hương của những đồi chè cổ thụ, khám phá những hang động còn nguyên sơ, những bãi đá cổ xưa, những nương ngô xanh mướt, những cánh rừng mận nở hoa ngút ngàn, ngắm những chàng trai cô gái Mông rạng rỡ trong những trang phục sặc sỡ đang mải mê say đắm trong điệu nhạc, tiếng khèn du dương, hoà mình vào những phiên chợ vùng cao với những bát thắng cố nóng hổi, chai rượu mông pê thơm phức để cùng say và cùng nhau " Cõng vợ" về nhà của chàng trai mông vùng cao. Bạn sẽ được tận hưởng hết vể cuốn hút và thơ mộng nơi núi rừng Tây Bắc nhé.!

  • Tác giả: Thùy Dương
  • Nguồn tin: Ảnh sưu tầm