Điện Biên là vùng đất địa đầu quan yếu của tổ quốc. Điện nghĩa là vững chãi, biên nghĩa là vùng biên giới, biên ải. Điện Biên tức là miền biên cương vững chãi.
Danh xưng "Điện Biên" đã được vua Thiệu Trị đặt cho vùng đất phên giậu của tổ quốc cách đây 183 năm. Trải qua bao thăng trầm lịch sử và sự biến thiên của thời gian, đi qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Điện Biên đã trở thành điểm hẹn lịch sử. Miền hoa ban giờ đây đang vươn mình phát triển với định hướng trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng Tây Bắc.
Lịch sử của vùng đất Điện Biên trải dài qua nhiều thế kỷ với những mốc son chói lọi sẽ được tái hiện sinh động trong triển lãm trực tuyến " Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ ".
Triển lãm là hoạt động thiết thực kỷ niệm 183 năm danh xưng Điện Biên, 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Điện Biên và 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với những nội dung chính như sau:
Từ vùng đất của người Việt cổ đến danh xưng Điện Biên
Điện Biên là vùng đất từ xa xưa đã có con người sinh sống và cư ngụ. Nhiều bằng chứng khảo cổ học từ thời kỳ đồ đá cho thấy người thượng cổ đã có mặt rất sớm ở nơi đây. Vùng đất này xưa thuộc tỉnh Hưng Hóa. Đại Nam nhất thống chí chép: Thời Hùng Vương là đất của nước Văn Lang, thời Tần thuộc Tượng Quận, thời Hán là Nam Trung, thời Ngô Tôn Quyền là huyện Lâm Tây, Tây Đạo thuộc quận Tân Xương, thời Đường là huyện Tân Xương, lệ vào châu Đằng. Khoảng thế kỷ thứ 9, thứ 10, người Lự có nguồn gốc từ khu vực Tây Nam Trung Quốc đã di cư đến sinh sống ở khu vực Sam Mứn (Điện Biên ngày nay). Tại đây, họ xây thành Sam Mứn (còn gọi là thành Tam Vạn) và khai khẩn đất hoang.
Đến thời Lý nước ta, Điện Biên thuộc Lâm Tây và Đăng Châu. Thời Trần chia cả nước làm 15 đạo, Điện Biên thuộc đạo Đà Giang. Cuối thời Trần lại đổi là trấn Thiên Hưng.
Thời thuộc Minh, vào năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) cho đổi thành châu Gia Hưng và Quy Hóa. Đầu thời Lê đặt 2 lộ Gia Hưng và Quy Hóa thuộc Tây Đạo. Thời Hồng Đức đặt Hưng Hóa thừa tuyên lãnh 3 phủ là Quy Hóa, Gia Hưng, An Tây, 4 huyện và 17 châu. Cuối thời Lê đổi làm trấn.
Điện Biên là vùng đất có núi rừng mênh mang, sông suối bao quanh và quy hội nhiều sắc tộc anh em sinh sống. Vì vậy, nơi đây vừa có sự giao thoa văn hóa vừa có phong tục riêng biệt của mỗi sắc tộc. Đặc biệt, vùng đất này có thổ âm và thổ ngữ riêng biệt, độc đáo.
Điện Biên dưới triều Nguyễn
Đầu triều Nguyễn, Hưng Hóa là một trấn của Bắc thành. Năm 1831, vua Minh Mệnh bắt đầu thực hiện một cuộc cải cách hành chính quy mô lớn, chia cả nước thành 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên. Khi đó, tỉnh Hưng Hóa quản hạt 3 phủ là Quy Hóa, Gia Hưng, An Tây; 5 huyện là Văn Chấn, Yên Lập, Tam Nông, Trấn Yên, Thanh Xuyên; 16 châu là Thủy Vĩ, Văn Bàn, Sơn La, Thuận Châu, Tuần Giáo, Mai Sơn, An Châu, Ninh Biên, Mộc Châu, Đà Bắc, Phù Hoa, Mai Châu, Chiêu Tấn, Luân Châu, Lai Châu và Quỳnh Nhai.
Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vua cho đặt phủ Điện Biên thuộc tỉnh Hưng Hóa. Khi mới thiết lập, phủ Điện Biên gồm 3 châu là Ninh Biên, Tuần Giáo, Lai Châu (nguyên là đất của 2 phủ Gia Hưng và An Tây). Năm Tự Đức thứ 4 (1851), thứ 5 (1852) lần lượt cho châu Quỳnh Nhai, Luân Châu lệ vào phủ Điện Biên.
Dưới triều Nguyễn, Điện Biên là nơi địa đầu quan yếu, chiếm giữ đường giao thông khống chế nước Nam Chưởng ở phía tây. Đây là vùng đất núi rừng bao bọc có vị trí ngăn chẹn đường xung yếu ở dọc biên thùy. Vì vậy, các vua nhà Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách chiêu dân, khuyến nông, giảm thuế, trưng binh diệt phỉ để bảo vệ biên cương tổ quốc.
Bản tấu ngày 15 tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị thứ 1 (1847) của Hộ lý Tuần phủ quan phòng Hưng Hóa Bố chánh sứ Ngụy Khắc Tuần, Thự án sát sứ Đinh Văn Minh về việc thiết lập phủ Điện Biên, cần phái trên dưới 100 tên lính mộ thuộc tỉnh chi lương theo lệ và khoảng 200 thổ dũng, cấp cho mỗi tên mỗi tháng 1 phương gạo.
Điện Biên thời Pháp thuộc
Những năm 1880, Bắc Kỳ rơi vào tay Pháp. Địa bàn từ Thanh Hóa trở ra Bắc, trong đó có tỉnh Hưng Hóa, được chia thành 14 Quân khu.
Năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định bãi bỏ các Quân khu và cho thiết lập các Đạo quan binh. Bắc Kỳ gồm 4 Đạo quan binh, lần lượt là Phả Lại, Lạng Sơn, Yên Bái và Sơn La. Điện Biên thuộc Đạo quan binh 4.
Ngày 27/02/1892, Đạo quan binh 4 được chia thành tiểu quân khu Vạn Bú và khu vực Lai Châu. Một năm sau, tiếp tục điều chỉnh địa giới các Đạo quan binh. Tiểu quân khu Vạn Bú khi đó gồm châu Phù Yên, Mộc Châu, An Châu, Sơn La, Thuận Châu, Mai Sơn, Tuần Giáo và Điện Biên.
Đến năm 1895, tiểu quân khu Vạn Bú trở lại chế độ dân sự, trở thành tỉnh Vạn Bú, sau đó đổi tên thành tỉnh Sơn La, tỉnh lỵ chuyển về nơi ngày nay là thành phố Sơn La.
Ngày 28 tháng 6 năm 1909, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách một số châu, phủ của tỉnh Sơn La để thành lập tỉnh Lai Châu. Năm 1915, một lần nữa chuyển tỉnh Lai Châu sang chế độ cai trị quân sự để thành lập Đạo quan binh 4. Năm 1916, một phần địa bàn Đạo quan binh 4 Lai Châu bị cắt và hợp với vùng Thượng Lào để lập Đạo quan binh 5.
Bất bình trước ách áp bức thống trị của thực dân Pháp, thủ lĩnh người Mông Vừ Pa Chay đã kêu gọi nhân dân trong vùng đứng lên khởi nghĩa. Cuộc đấu tranh có sức lan tỏa rộng rãi, là một biểu tượng thể hiện sâu sắc tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương đất nước, bản mường.
Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, quân Pháp quay lại nổ súng gây chiến với quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, buộc nhân dân ta phải đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập.
Đến cuối năm 1953, cuộc kháng chiến bước sang năm thứ 8. Trên khắp các chiến trường, quân đội Việt Nam dồn dập phản công quyết liệt, buộc đối phương phải phân tán lực lượng đối phó.
Bộ chỉ huy quân đội Pháp ra sức tập trung quân, xây dựng lòng chảo Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, nhằm thu hút chủ lực của quân đội Việt Nam vào cuộc chiến.
Nhận thấy đây là thời cơ để tiêu diệt sinh lực địch, Bộ chỉ huy Quân đội Việt Nam quyết định mở chiến dịch tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, đến ngày 07/5/1954, ta đã hoàn toàn chiến thắng.
Từ đây, Điện Biên trở thành một địa danh chói sáng, một bản hùng ca vẻ vang và oanh liệt của dân tộc Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là tác nhân quan trọng đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 21/7/1954, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ cổ vũ nhân dân Việt Nam mà còn là khâu đột phá mở đầu, cổ vũ các dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới đứng lên giành độc lập.
Từ Nông trường Điện Biên đến thành phố Điện Biên Phủ
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ chiến trường khốc liệt, vùng đất Điện Biên trở thành nông trường hăng say lao động và chiến đấu vì tổ quốc mến yêu, vì miền Nam ruột thịt.
Nông trường quân đội Điện Biên thành lập năm 1958, đến năm 1960 trở thành Nông trường quốc doanh Điện Biên, trực thuộc Bộ Nông trường.
Việc thành lập nông trường đã kéo theo di dân từ đồng bằng Bắc Bộ, biến Điện Biên thành một thị trấn nông trường, sau được nâng cấp thành thị trấn huyện lỵ của huyện cùng tên thuộc tỉnh Lai Châu.
Ngày 18 tháng 4 năm 1992, thị xã Điện Biên Phủ chính thức được thành lập theo quyết định số 130/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở thị trấn Điện Biên và xã Thanh Minh thuộc huyện Điện Biên. Năm 2003, thị xã Điện Biên Phủ được nâng cấp lên thành phố Điện Biên Phủ. Nơi đây đang từng bước trở thành thành phố du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Quy hoạch và phát triển tỉnh Điện Biên
Tháng 11 năm 2003, Quốc hội ban hành Nghị quyết chia tỉnh Lai Châu thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Tỉnh Điện Biên có diện tích tự nhiên là 955.409,70 héc-ta và dân số hiện tại là 440.300 người, bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Lai Châu (trừ phường Lê Lợi) và 6 huyện: Mường Nhé, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Lay (trừ: xã Pú Đao, xã Chăn Nưa, xã Nậm Hàng, bản Thành Chử thuộc xã Xá Tổng).
Điện Biên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc, mỗi dân tộc đều có một kho tàng văn hóa, tín ngưỡng, tập quán đậm đà sắc thái bản địa tạo nên sự đa dạng của văn hóa Tây Bắc. Tính đến năm 2024, Điện Biên có 33 di tích được công nhận, xếp hạng và 18 di sản phi vật thể quốc gia. Vùng đất này cũng làm say lòng du khách với nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ.
Dựa trên những thế mạnh về tự nhiên và con người, Điện Biên đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, phát huy giá trị nông sản, đẩy mạnh hoạt động kinh tế cửa khẩu cũng như tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế. Với những thành tích đạt được, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như Huân chương Sao Vàng năm 1985, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2009, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2016 và Huân chương Độc lập hạng Nhất của nước CHXHCN Việt Nam năm 2019.
Triển lãm đưa công chúng trở về với cội nguồn lịch sử của mảnh đất Điện Biên anh hùng, giúp công chúng có cái nhìn tổng thể, rõ nét hơn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng, giúp công chúng hiểu thêm về một vùng đất anh dũng trong chiến đấu, hăng hái trong lao động, tích cực trong phát triển kinh tế, cởi mở trong hội nhập quốc tế, kiên quyết trong bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Qua đó, góp phần giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, củng cố phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và truyền thống tốt đẹp của mẩnh đất, con người Điện Biên.
Một số hình ảnh không gian triển lãm:
Địa chỉ triển lãm trên không gian mạng:
1. Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên: http://www.dienbien.gov.vn/map/
2. Website Sở Nội vụ: https://snv.dienbien.gov.vn/tourDienbien/
3. Website TTLQGI: https://archives.org.vn/tourdienbien/
4. Video giới thiệu triển lãm tại địa chỉ: https://drive.google.com/file/d/1qIYMNZni97-ClDBKoa_XJKP_qIVDcdS3/view?usp=sharing
5. Video hướng dẫn xem triển lãm tại địa chỉ: https://drive.google.com/file/d/1XBCc0NJ85U4cRd9v-9IIizLsWDsex0--/view?usp=sharing