tc1.jfif

Toàn cảnh phiên họp

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, nhà nước!

Thưa các đồng chí!

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu, đặc biệt trong Kết luận của Tổng Bí thư khi làm việc với Bộ Văn hóa, Tổng Bí thư nói rằng: Văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc về đời sống, xã hội, vì vậy, để phát triển văn hóa cần phải có các giải pháp căn cơ, đồng bộ. Với văn hóa không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng. Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa bao gồm các giá trị vật thể, giá trị phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để tạo nên "thương hiệu" cho quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới. Để thực hiện được những quan điểm lớn mà Tổng Bí thư đã chỉ ra, cùng với việc quán triệt nghiêm túc các luận điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 khi đặt vấn đề phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, tạo động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, tăng đầu tư cho phát triển văn hóa, chúng tôi xin được đề xuất thêm 6 nhóm nhiệm vụ:

1. Cần phải có nhận thức đúng để có hành động đẹp. Trong kết luận 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33, Đảng ta cũng nói rằng một trong những nguyên nhân chưa thực hiện được nhiệm vụ phát triển văn hóa đó là do nhận thức. Vì vậy, thông qua Hội nghị này, chúng tôi xin được kiến nghị là phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa công tác truyền thông, công tác tuyên truyền giáo dục để chúng ta nâng cao nhận thức, khi có nhận thức đúng chúng ta sẽ có hành động đúng và vì vậy tôi mong cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến lĩnh vực văn hóa, nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn để có các chương trình hành động sát đúng. Ở góc độ toàn quốc, chúng tôi cũng đề xuất cấp có thẩm quyền tổ chức Hội nghị văn hóa trong năm nay, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Hội nghị Văn hóa Toàn quốc Lần thứ nhất được Bác Hồ tổ chức triển khai và định kỳ hàng năm sẽ tổ chức hội nghị, diễn đàn để chúng ta đánh giá lại tình hình văn hóa, có điều kiện chúng ta điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch cho sát trúng hơn.

2. Để khai thác và phát huy những tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, trong thời gian tới, cần thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa do 1 Lãnh đạo Chính phủ là Trưởng ban, Bộ VHTTDL là cơ quan thường trực, các Bộ ngành liên quan là thành viên. Đưa bộ chỉ số đánh giá đóng góp của 12 ngành công nghiệp văn hóa vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm (điện ảnh, thời trang, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa), dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030.

3. Phải tiếp cận theo hướng chọn việc - làm điểm - đánh giá - nhân rộng. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, công việc yêu cầu ngày càng cao, cần lựa chọn những việc để làm trước, làm dứt điểm các công việc trọng tâm, trọng điểm có tính chất "đòn bẩy, điểm tựa" để phát triển. Theo hướng đó, chúng tôi đã đề xuất với Thủ tướng và Thủ tướng bước đầu cũng đã đồng tình giao cho Bộ VHTTDL phối hợp với UNESCO xây dựng Bộ Chỉ số văn hóa Quốc gia nhằm làm rõ sự đóng góp của văn hóa trong lĩnh vực kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng địa phương. Và chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư để đưa bộ chỉ số này vào trong vấn đề đánh giá. Có làm như vậy thì mới có được sự phấn đấu, có sự xếp hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về văn hóa của quốc gia, cũng như cấp tỉnh và coi đây như là một động lực, để tránh tình trạng nhận định chung văn hóa có bước phát triển, mà tỷ lệ hàm lượng văn hóa ở trong lĩnh vực này là bao nhiêu, có sự so sánh trong thời gian tới.

4. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó chú ý hơn môi trường văn hóa ở khu dân cư, địa bàn dân cư, môi trường doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân và tổ chức thực hiện tốt các nội dung nêu trên.

5. Tiếp tục xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong đó chú ý đến các giá trị của gia đình. Gia đình ấm no, hạnh phúc và từ gia đình, từ nhà trường, xã hội, để chúng ta hoàn thiện. Cùng với đó là tập trung phát triển văn hóa nghệ thuật, nhằm bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách, nhất là trong thế hệ trẻ.

6. Phải có nguồn lực đầu tư hợp lý cho văn hóa. Bởi vì, như Bác Hồ đã căn dặn: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa". Tương tự như vậy, muốn xây dựng nền văn hóa, trước hết cần có những con người văn hóa. Vì vậy, mong muốn phải có sự đầu tư chăm lo nguồn lực con người, nhân lực ngành kể cả góc độ quản lý, văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ và vấn đề về cơ sở vật chất giúp cho ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trên đây là một số ý kiến làm rõ hơn về nội dung trong báo cáo của Chính phủ. Cuối cùng, chúng tôi xin được kính chúc các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư, các vị đại biểu, khách quý sức khỏe, hạnh phúc và chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin cảm ơn!./.