Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Múa xòe, điệu múa truyền thống dân tộc Thái - lời gọi mời du khách gần xa
  • Thời gian đăng: 14/07/2020 08:39:36 AM
  • Gần 300 học viên đã tham dự buổi lễ bế giảng lớp tập huấn hướng dẫn nghệ thuật múa Xòe truyền thống dân tộc Thái năm 2020, do Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh Điện Biên tổ chức tại Nhà thi đấu tỉnh Điện Biên. Trong thời gian 6 ngày (06-11/7/2020), Lớp tập huấn đã đào tạo các hạt nhân văn hóa cơ sở, cùng thống nhất cách thức thể hiện, bảo tồn, nhân rộng loại hình nghệ thuật múa xòe truyền thống của đồng bào dân tộc Thái; thúc đẩy sự phát triển của loại hình nghệ thuật độc đáo để xòe Thái trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Điện Biên. Tại buổi lễ, các học viên đã trình diễn nhiều tiết mục được dàn dựng công phu. Thưởng thức những điệu xòe truyền thống ngọt ngào, cuốn hút và nếu có dịp đến Điện Biên, du khách hãy thưởng thức những điệu múa xòe đầy cảm xúc này nhé.
  • 1.jpg

    Điệu xòe “Khắm khen” (nắm tay nhau)

    Điệu xòe nắm tay nhau là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai, biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.     

    Điệu xòe “Đổn hôn” (bước tiến lùi)

    Điệu xòe tiến lùi, lúc người này tiến người kia lùi, nhưng vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển cùng trong một vòng tròn. Những động tác này như muốn khẳng định, dù trời đất có thay đổi, cuộc sống có lúc gặp khó khăn trở ngại nhưng ý chí và tình người thì vẫn luôn sắt son bền chặt.

    3.jpgThiếu nữ Thái duyên dáng, uyển chuyển với điệu Xòe bên chiếc khăn Piêu.

    Điệu xòe “Phá xí” (tức bước bốn)

    Điệu “Phá xí”, nghĩa là xòe bước bốn, điệu múa thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Thái. Cho dù là ai, dù có phải chia xa bốn phương trời, mười phương đất thì cũng luôn nghĩ về nhau, cùng nhau hướng về cội nguồn.

    6.jpg
    Múa Xòe với quạt.

    Điệu xòe Nhôm khăn (tức Tung khăn)iệu “Nhôm khăn”, nghĩa là tung khăn, điệu múa thể hiện sự nhịp nhàng, đều đặn như một của cộng đồng người Thái. Khăn luôn phải bằng nhau, không cao, không thấp, đưa lên bằng vai xong hạ xuống. Tượng trưng cho cho sự đồng thuận giữa người với người, các dân tộc với nhau. Cùng với những chiếc khăn Piêu, khăn thổ cẩm choàng trên cổ, những cô gái Thái đã thể hiện được niềm vui vô bờ bến mỗi khi làng bản có chuyện mừng vui như có đám cưới, đám mừng nhà mới hay mừng mùa bội thu.

    7.jpg

    Múa Xòe nón truyền thống "Hứng hoa" do CLB Người cao tuổi Thị xã Mường Lay biểu diễn

    Điệu xòe  Khắm khăn mơi lảu (tức Nâng khăn mời rượu)

    “Khắm khăn mơi lẩu”- nghĩa là “nâng khăn mời rượu”. Đây là điệu xòe thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái.

    8.jpgVòng Xòe đoàn kết "Vui mừng ngày hội"

    Điệu xòe “Ỏm lọm tốp mư” (tức Vỗ tay đi vòng tròn)

    Điệu xòe vòng tròn vỗ tay, được sử dụng khi kết thúc mỗi cuộc vui, biểu hiện niềm hân hoan và sự bịn rịn lúc chia tay nhau.

    Đắm mình trong những điệu xòe truyền thống của dân tộc Thái, để hiểu hơn về biểu tượng tình yêu, sự đoàn kết thân thiện gắn bó, điệu xòe không chỉ trở thành phương tiện giao tiếp, kết nối cộng đồng mà còn là cầu nối giúp du khách trải nghiệm, hiểu hơn về cuộc sống con người Tây Bắc góp phần làm giàu đẹp cho nghệ thuật múa dân gian Việt Nam. Điệu múa xòe truyền thống dân tộc Thái trở thành nét văn hóa đặc trưng, là “tài sản” chung của nhiều dân tộc sống trên rẻo cao Tây Bắc. Trong những lễ hội, trong ngày vui của bản làng, điệu xòe  như lời chào, lời mời gọi du khách gần xa.

  • Tác giả: Lưu Học - Lan Phương
  • Nguồn tin: Trung tâm Thông tin Xúc Tiến Du lịch