Các hộ gia đình đồng bào các dân tộc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp
Tại tỉnh Điện Biên, chủ trương phát triển loại hình du lịch cộng đồng kết hợp với hoạt động nông nghiệp đã làm cho người dân nhận thức rõ ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện tốt để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Hoạt động du lịch cộng đồng cũng góp phần trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian. Thông qua các hoạt động đón khách du lịch, bản sắc văn hoá đồng bào các dân tộc được trân trọng, phát huy, các ngành nghề truyền thống được duy trì và phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá; các sinh hoạt văn hoá truyền thống như dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội dần trở thành sản phẩm du lịch được khách du lịch tìm kiếm, trải nghiệm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động du lịch cộng đồng tại Điện Biên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Đội ngũ tham gia vào công tác phục vụ khách du lịch còn mang tính tự phát, chưa có sự chuyên nghiệp; các sản phẩm du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chất lượng chưa cao; các nghề thủ công truyền thống hiện nay còn rất ít gia đình duy trì và chưa thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm thực tế và mua sắm của khách du lịch; sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành chưa nhiều...
Từ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế nêu trên, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với kinh tế nông nghiệp là hướng đi cần thiết và quan trọng nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch, bảo tồn, khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn đối với khách du lịch. Từ đó, góp phần đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên tập trung thực hiện một số giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng gắn với kinh tế nông nghiệp:
Một là, cần tập trung ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng gắn với kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ; có định hướng phát triển sản phẩm một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện của địa phương. Khai thác những giá trị nổi trội và khác biệt về vị trí địa lý, địa hình và giá trị văn hóa bản địa để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc. Cùng với việc gia tăng lượng khách du lịch, cần nghiên cứu gia tăng các giá trị văn hóa trong du lịch, tăng chi tiêu của khách du lịch.
Mô hình Vườn - ao - chuồng cũng là lợi thế cho các gia đình phát triển du lịch cộng đồng
Thứ hai, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, đồng thời, cần tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao vai trò chủ động của các địa phương, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng và doanh nghiệp.
Ba là, phát triển tạo những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa gắn với hoạt động du lịch; xây dựng kết nối tour, tuyến của loại hình du lịch nông nghiệp như trồng lúa, trồng hoa, canh tác hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá... Tăng cường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ tại các homestay.
Bốn là, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, hình thành các mô hình hợp tác xã nghề truyền thống nhằm tạo nhiều sản phẩm mới mà vẫn duy trì được bản sắc dân tộc.
Năm là, khai thác lợi thế về tự nhiên, kết hợp văn hóa các dân tộc được nâng tầm thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần tạo được vùng nông nghiệp sinh thái tạo tiền đề cho phát triển du lịch sinh thái.
Sáu là, tăng cường sự liên kết, phối hợp, trao đổi giữa các đơn vị lữ hành, các nhà đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương nhằm nhân rộng các mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ, phát triển du lịch đô thị gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn để hỗ trợ các địa phương có tiềm năng về du lịch phát huy hết giá trị sẵn có.
Dựa vào nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng gắn với kinh tế nông nghiệp là xu thế phát triển trong thời kỳ hiện đại ngày nay, mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư ngày một tốt hơn.