Du lịch Điện Biên
Du lịch Điện Biên
  • Điện Biên có thêm 02 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
  • Thời gian đăng: 14/01/2022 09:48:28 PM
  • Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, tỉnh Điện Biên có thêm 02 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần lượt là Tri thức dân gian, Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật Khèn của Người Mông (theo theo Quyết định số 65/QĐ-BVHTTDL) và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên ( theo Quyết định số 64/QĐ-BVHTTDL)
  • 2.jpg

    Nghệ nhân biểu diễn múa khèn tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021

    Khèn trong cuộc sống của người Mông là một nhạc cụ không thể thiếu và là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Khèn có mặt hầu hết trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh của người Mông. Là một loại nhạc cụ độc đáo, không chỉ bởi tính đại chúng của nó mà còn bởi đó vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ. Khèn là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh, được sử diễn tấu trong tang ma nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời. Diễn tấu khèn là cả một nghệ thuật hết sức độc đáo bởi nhạc cụ này không chỉ để thổi mà còn để nhảy múa với sự biến hóa vô cùng sinh động mà không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà còn đòi hỏi cả sức khỏe vì có cả những động tác nhào lộn, trồng chuối...

    chu-n-b-m-m-l-.jpg

    Công tác chuẩn bị mâm lễ để cúng trong Lễ mừng cơm mới

    Lễ mừng cơm  của người Xinh Mun  thường tổ chức vào cuối tháng tám dương lịch hàng năm, với ý nghĩa tạ ơn trời đất, tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe. Đây là phong tục tập quán, là nét văn hóa giàu bản sắc thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên

    Tính đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bao gồm: Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên; Tết Nào pê chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Lễ Kin pang then của người Thái Trắng tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Tết té nước của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà; Lễ gạ ma thú của người Hà Nhì tỉnh Điện Biên; Tết Hoa của người Cống tỉnh Điện Biên; Lễ Tủ cải của người Dao quần chẹt, bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa; Nghề làm giày thêu cộng đồng dân tộc Hoa (Xạ Phang) tại các xã Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa); Huổi Lèng, Sa Lông (huyện Mường Chà); Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ); Nghệ thuật trình diễn dân gian múa của người Khơ Mú hiện có tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ và thành phố Điện Biên Phủ; Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên; Nghệ thuật Khèn của Người Mông.

  • Tác giả: Mai Hoa