• Vai trò của Pháo hỏa tiễn H6 Kachiusa trong chiến dịch Điện Biên Phủ
  • Thời gian đăng: 26/12/2019 09:35:56 AM
  • Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một trong những bất ngờ lớn nhất mà Quân đội Nhân dân Việt Nam dành cho Quân đội Phápđó chính là việc ta đưa những khẩu  pháo lớn vào trận địa. Đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng, một trong những yếu tố quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

    Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh 4 đại đoàn bộ binh, ta có một đại đoàn công pháo (bao gồm pháo binh và công binh) do đồng chí Đào Văn Trường chỉ huy. Thực tế đã cho thấy, pháo binh của ta đã lập được nhiều kỳ tích. Ta đã kéo được những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua những đoạn đường núi cao, hiểm trở vào trận địa, để rồi khi thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh giải quyết thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" vẫn những khẩu pháo ấy lại được cẩn trọng đưa về vị trí tập kết một cách an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó sự xuất hiện lần đầu của pháo 105mm và cách đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn đã đem lại hiệu quả bất ngờ, ta đã giành được những thắng lợi quan trọng đầu tiên ngay sau trận mở màn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

    hoa-tien-2.jpg

    Hỏa tiễn được trưng bày tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

    Khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang vào đoạn cao trào, ưu thế chiến trường đang có lợi cho ta; Quân đội Pháp đã mất hầu hết các cứ điểm quan trọng trong khi điều kiện chi viện lại không thể tiếp cận được với lực lượng chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Lúc này, 12 dàn hỏa tiễn 6 nòng (ta quen gọi là H6) do Liên Xô viện trợ được chuyển đến chiến trường trước khi đợt tấn công thứ ba bắt đầu. Một tiểu đoàn H6 được thành lập ngay tại chiến trường do Trung đoàn 676 phụ trách, tiểu đoàn được mang phiên hiệu 224, kịp thời bổ sung cho mặt trận. Tuy nhiên loại vũ khí này, lực lượng pháo binh của ta chưa từng được huấn luyện, sử dụng và lượng đạn không có nhiều nên ta để dành sử dụng vào những ngày tiến công cuối cùng, dành bất ngờ cho quân Pháp. Đây là loại pháo phản lực phóng loạt, bắn theo nguyên lý phản lực, 6 nòng cỡ 102mm bắn đạn nặng 20kg, nòng trơn nên có độ tản mát lớn, lại thêm tốc độ bắn rất nhanh nên phù hợp với nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch.

    Để đảm bảo bất ngờ đến ngày 4/5/1954 toàn bộ 12 dàn hỏa tiễn H6 đã vào vị trí tập kết, chiếm lĩnh trận địa. Để có thể bắn thẳng vào khu trung tâm Mường Thanh. Chiều ngày 5/5/1954, tiểu đoàn đã tổ chức bắn thử, từng đại đội sẽ bắn thử vào một trong những trận địa của quân Pháp ở Mường Thanh, mỗi khẩu đội chỉ được bắn một viên đạn một nòng vào một mục tiêu. Do bắn thử là bắn vào mục tiêu chiến đấu, đường đạn bay và tiếng nổ của loại hỏa tiễn H6 này rất dễ phát hiện, nên khi bắn mục tiêu nào, đều có pháo 105mm của Trung đoàn lựu pháo 45 bắn kèm để cho quân Pháp không phát hiện ra pháo H6 của quân ta.

    Đêm ngày 6/5/1954, ta chính thức đưa pháo H6 vào tham chiến tấn công cứ điểm A1 và khu trung tâm Mường thanh. Trước đó, A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất của Quân đội Pháp, cánh cửa cuối cùng bảo vệ khu Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Với nỗ lực cuối cùng nhằm bảo vệ kỳ được cơ quan đầu não của mình, De Castries đã dồn toàn bộ sức mạnh còn lại để bảo vệ cứ điểm này. Với sự xuất hiện lần đầu của pháo hỏa tiễn H6, mặc dù mới được trang bị về cách thức và kỹ thuật sử dụng, tuy nhiên loại pháo mới đã phát huy tác dụng, góp phần khống chế pháo địch, gây sự hoang mang, hoảng loạn cho quân đội Pháp. Ta đã gây được những khó khăn, thách thức và những đòn quyết định, góp phần làm nên  thắng lợi của đợt tấn công thứ ba cũng như chiến thắng chung của toàn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ngay tối ngày 7/5 theo lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 224 đã lập tức tiến hành rút khỏi trận địa, trở về vùng hậu cứ của Đại đoàn 351 ở Tuyên Quang để giữ bí mật về loại vũ khí này đối với quân Pháp. Cũng chính vì vậy, dù đã lập được công lớn nhưng Tiểu đoàn 224 không tham gia vào buổi lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại Mường Phăng.

    hoa-tien-3.jpg

    Ngày nay, khi đến với Điện Biên Phủ thăm lại chiến trường xưa, du khách có thể ghé thăm Di tích trận địa pháo H6 (hay còn gọi là hỏa tiễn Kachiusa) tại Bản Huổi Lơi, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ (nằm trên tuyến đường quốc lộ 279 đoạn đầu thành phố) hoặc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi lưu giữ những kỷ vật kháng chiến để được tận mắt chứng kiến và tìm hiểu nội dung sâu hơn về 12 giàn hỏa tiễn H6.

  • Tác giả: Ngọc Linh
  • Nguồn tin: ảnh sưu tầm