• Vài nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu của dân tộc Mông
  • Thời gian đăng: 12/11/2019 03:25:07 PM
  • Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Mông được coi là một thành viên quan trọng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết và làm phong phú cho nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.

    c-c-c-g-i-m-ng.jpg

    Hình ảnh các cô gái dân tộc Mông

    Người Mông có 4 nhóm: Mông Hoa (Mông Lềnh), Mông Đen (Mông Dú), Mông Xanh (Mông Chúa), Mông Trắng (Mông Đu). Tuy có 4 nhóm, nhưng về ngôn ngữ và văn hoá cơ bản giống nhau, sự khác nhau giữa các nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục phụ nữ.

    Trong một năm, người Mông đón hai tết lớn: Tết năm mới vào đầu tháng 12 âm lịch (lịch mỗi tháng có 30 ngày, hết 12 tháng là tết) và tết ngày 5 tháng 5 (tết Đoan ngọ). Trong đó, Tết Đoan ngọ là ngày Tết quan trọng nhất, ngày đại gia đình sum họp và gặp gỡ giao lưu. Ngoài ra, với mỗi vùng khác nhau, người Mông cũng tổ chức ăn tết vào một số ngày khác như ở Việt Bắc, người Mông ăn tết vào ngày 13 tháng 3 và ngày 13 tháng 6 hàng năm; ở Lào Cai, Yên Bái người Mông ăn tết ngày 7 tháng 7 (tết đốt vàng mã cho tổ tiên).

    Người Mông có nhiều dòng họ: Giàng, Vàng, Tráng, Thào, Lù, Vù,Thèn, Sùng, Mã, Lùng, Hầu, Ly, Tẩu, Hản. Mỗi họ không chỉ có những điều kiêng kị và lễ nghi cúng bái riêng biệt như: Họ Giàng kiêng ăn quả tim con vật; họ Hờ kiêng ăn thịt khỉ; họ Lý kiêng ăn lá lách con vật, con dâu dòng họ Lầu kiêng quét dọn bếp mà còn khác nhau trong các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, ma chay, cúng ma. Trưởng tộc là người có uy tín và am hiểu sâu sắc phong tục tập quán của dòng họ, giàu kinh nghiệm tổ chức sản xuất, gánh vác, hướng dẫn các gia đình khi có ma chay, cưới xin, giải quyết mâu thuẫn xích mích giữa các thành viên. Như vậy, đặc trưng dòng họ người Mông là sự thống nhất về tư tưởng, thông qua tín ngưỡng với những điều kiêng kị, lễ nghi riêng của dòng họ, tạo nên sự cố kết lâu bền trong quan hệ giữa các thành viên.  

    Người Mông có rất nhiều nghề phát triển như nghề thủ công như đan lát, rèn, làm yên cương ngựa, đồ gỗ, nhất là các đồ đựng, làm giấy bản, đồ trang sức bằng bạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của người dân. Phần lớn các thợ thủ công là thợ bán chuyên nghiệp làm ra những sản phẩm nổi tiếng như lưỡi cày, nòng súng, các đồ đựng bằng gỗ ghép. Đặc biệt với nghề dệt của các cô gái Mông, trang trí những bộ váy áo sặc sỡ của mình là vẽ bằng sáp ong, nhuộm chàm là một cách tạo hoa văn đặc trưng. Người phụ nữ dùng bút chấm sáp ong nóng chảy để vẽ vào những hoa văn trên tấm vải lanh trắng. Vẽ xong, tấm vải đó được nhuộm chàm nhiều lần cho đến khi được màu đen vừa ý. Sau đó người ta đem vải nhúng vào nước nóng cho sáp ong tan ra, để lại những hoa văn màu trắng trên nền chàm xanh.

    ch-phi-n-1.jpg

    Hình ảnh chợ phiên

    Chợ phiên là một hoạt động không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Mông, đây là nơi giao lưu trao đổi hàng hoá, gặp gỡ của anh em, bạn bè, trai gái. Người ta thồ trên lưng ngựa đến chợ với đủ mọi thứ hàng hoá như: ngô, rau, củi, măng...

    Người Mông là một trong những dân tộc có nền văn hóa đặc trưng ít bị ảnh hưởng bởi những nền văn hóa khác. Một nền văn hóa với đời sống tinh thần đa dạng, phong phú về phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng và chữ viết, tiếng nói, văn hoá nghệ thuật. Các loại nhạc cụ như khèn, kèn lá, đàn môi và các loại hình hoa văn trang trí trên trang phục phụ nữ là những tác phẩm nghệ thuật dân gian đẹp, cái đẹp tươi sáng tự nhiên của vùng cao. Đây cũng là những nét đặc trưng nhất mà khi nhắc tới những chiếc khèn môi, khèn lá, những chàng trai múa khèn tỏ tình bên những cô gái với chiếc váy hoa xòe rộng... tạo nên nét riêng cho văn hóa Mông

    m-a-kh-n.jpg

    Hình ảnh múa khèn

    Văn hoá Mông là một mảnh ghép không thể thiếu để tạo nên bức tranh toàn cảnh về của văn hóa Việt Nam đậm đà, bản sắc dân tộc, hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và trải nhiệm.

    Một số thông tin về đồng bào dân tộc Mông:

    Tên tự gọi: Mông, Na Miẻo.

    Tên gọi khác: Mẹo, Mèo, Miếu Hạ, Mán Trắng.

    Nhóm địa phương: Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Ðỏ, Mông Ðen, Mông Xanh, Na Miẻo.

    Dân số người Mông trên cả nước: Trên 1 triệu người.

    Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc ngôn ngữ hệ Mông - Dao.

    Hoạt động sản xuất: Nguồn sống chính là làm nương định canh hoặc nương du canh trồng ngô, lúa, lúa mạch, các cây ăn quả như táo, lê, đào, mận, cây lanh.

  • Tác giả: Thùy Dương
  • Nguồn tin: Ảnh sưu tầm